(VOV5)- Với 182/187 phiếu ủng hộ, Việt Nam lần thứ 2 trở thành thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 sau phiên bỏ phiếu của các thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 21/10.
Trước đó, nhiệm kỳ đầu tiên của Việt Nam trong ECOSOC là từ năm 1998 đến năm 2000. Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ thành viên ECOSOC từ ngày 01/01/2016.
Việt Nam lần thứ hai được tín nhiệm bầu chọn vào ECOSOC là sự kiện có ý nghĩa quan trọng; diễn ra vào thời điểm Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030. Do đó bạn bè quốc tế đặt nhiều kỳ vọng vào những đóng góp của Việt Nam cùng 53 thành viên còn lại ECOSOC trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc Việt Nam được bầu làm thành viên của ECOSOC cũng thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như những đóng góp của Việt Nam đối với LHQ cũng như vào việc xây dựng một thế giới tiến bộ và tốt đẹp hơn.
Chủ tịch ECOSOC, Đại sứ Hàn Quốc Oh Joon chúc mừng Việt Nam và cho biết các thành viên ECOSOC mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của ECOSOC. Về phía Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, cho biết với tinh thần hợp tác, xây dựng, Việt Nam sẽ tích cực tham gia các hoạt động của ECOSOC, huy động sự tham gia của các lực lượng, các nguồn lực trong xã hội, đổi mới hoạt động của hệ thống phát triển của LHQ, phát huy hiệu quả của hợp tác phát triển để thực hiện thành công chương trình nghị sự phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là xoá đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, bảo vệ môi trường.
|
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN
|
Là một trong 54 thành viên của ECOSOC, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để tham gia sâu, rộng hơn, vào việc xây dựng, định hình “luật chơi chung” của thế giới, thông qua việc đóng góp tiếng nói trách nhiệm, xây dựng của mình vào các chính sách, văn kiện, hành động của ECOSOC trong các lĩnh vực rất phong phú của đời sống kinh tế, xã hội của thế giới. Trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới làm thành viên ECOSOC, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào tiến trình thực thi Chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030. Việt Nam cũng sẽ có thêm điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế để phát triển kinh tế và xã hội ở trong nước.