(VOV5)- Việc Hiệp định Geneve 1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết cách đây 60 năm là thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao non trẻ của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để đi đến ký kết Hiệp định này, đoàn đại biểu Việt Nam đã trải qua 75 ngày đàm phán, với 31 phiên họp cùng rất nhiều các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị. Trao đổi với báo chí, ông Trần Việt Phương, nguyên chuyên viên đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneve, cho biết yếu tố quan trọng nhất để đi đến ký kết Hiệp định Geneve : Muốn bảo vệ được chủ quyền thì điều quan trọng là nhận diện ra rất sớm những lực lượng nào và cách thức mà họ định xâm phạm chủ quyền của chúng ta để được lợi cho mình. Điều này được Trưởng đoàn của chúng ta nhận ra trong suốt quá trình đàm phán. Do đó trong thời gian đó, phái đoàn của chúng ta luôn luôn tỉnh táo, sáng suốt, kiên trì để giành cho được độc lập chủ quyền
Giáo sư Ngôn ngữ học Anatoly Sokolov, thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đánh giá rằng Hiệp định Geneve ký ngày 20/7/1954, mở ra một chương mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì tự do và thống nhất đất nước: Ý nghĩa quan trọng nhất của Hội nghị Hòa bình Geneve là đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Thứ hai là góp phần khẳng định về mặt pháp lý quốc tế về sự chấm dứt ách đô hộ của Pháp ở Đông Dương.Thứ ba là khẳng định vị thế bình đẳng của Việt Nam trên trường quốc tế rằng Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ tham gia vào mọi hoạt động quốc tế. Thứ tư, nó chỉ ra rằng, đối với các nước thuộc địa, con đường đàm phán quốc tế là con đường tốt nhất để giải quyết xung đột vì tự do, dân chủ, vì độc lập dân tộc. Hiệp định Geneve cũng đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ quốc tế. Nó chứng minh một điều rằng các cuộc đấu tranh phải trên cơ sở lợi ích của nhân dân, của hòa bình, an ninh và dân chủ.”
Chiến thắng Điện Biên Phủ- yếu tố quyết định dẫn đến việc các bên phải công nhận độc lập của Việt Nam
Kinh nghiệm đàm phán dẫn đến ký kết Hiệp định Geneve 1954 để bảo vệ chủ quyền có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định rằng: Bất luận như thế nào thì điều bất biến là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta đã đổ biết bao xương máu, trí tuệ để giành được sự công nhận đó nhưng tiếc rằng trong thế giới đầy phức tạp này, rất nhiều nước đã vi phạm cam kết độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta. Do đó cho nên chúng ta không được lơi lỏng mà phải dùng mọi biện pháp có thể và trong hoàn cảnh hiện nay thì dùng biện pháp hòa bình, thông qua con đường ngoại giao để bảo vệ độc lập, chủ quyền đó. Đây là điều có ý nghĩa rất thời sự chứ không phải là chuyện của 60 năm trước »
Cùng với Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneve 1954 là 1 trong 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. 60 năm đã qua, Hiệp định vẫn mang tính thời đại, là kinh nghiệm quý giá trong bảo vệ độc lập, chủ quyền của nhân dân Việt Nam./.