(VOV5)- Chiều nay (18/11), tại Đà Nẵng, bế mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6.
Trong ngày làm việc thứ hai, các chuyên gia, học giả thảo luận về vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế; các yêu sách tại Biển Đông và tranh chấp biển; quy chế lãnh thổ, vùng biển và vùng trời trong quy định của luật pháp quốc tế. Đáng chú ý là việc quản lý xung đột ở Biển Đông bằng các giải pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa. Các học giả nhấn mạnh: Trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông. Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn nhằm biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ, khiến tình hình thêm phức tạp.
Các đại biểu tại buổi bế mạc
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, khẳng định: qua 7 phiên thảo luận về các chủ đề khác nhau với gần 40 bài phát biểu, tham luận, vấn đề Biển Đông đã được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau như địa chính trị, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế… Nhiều đóng góp có giá trị từ các học giả trong và ngoài khu vực đã được đưa ra với chung một mục đích, giúp tăng cường hiểu biết, lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Biển Đông. Ông Đặng Đình Quý nhấn mạnh: Trong môi trường đầy biến động hiện nay, việc giữ nguyên trạng và kiềm chế không thực hiện các hành vi làm xấu thêm tình hình cần được hết sức coi trọng nhằm kiểm soát, quản lý xung đột một cách hữu hiệu ở Biển Đông./.