(VOV5)- Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ các thành viên Chính phủ.
Sau hơn 2 ngày làm việc, sáng 18/11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
|
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ 16 đến hết buổi sáng 18/11 |
|
Các thành viên Chính phủ gồm 6 Bộ trưởng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Đối với quy trình, công tác xây dựng ban hành Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định quy trình, công tác xây dựng pháp luật hiện nay là nghiêm túc, chặt chẽ, hợp lý: “Hiện nay quy trình làm Luật là người đề xuất sáng kiến là đại biểu Quốc hội, Ủy ban, Hội đồng dân tộc, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội khác. Như vậy, chủ thể rất rộng. Chính phủ có trách nhiệm, nghiên cứu, đề xuất, trình Luật để Quốc hội ban hành, Chính phủ là chủ thể quan trọng vì đây là cơ quan hành pháp. Cho nên về luật pháp không cần phải bổ xung gì nữa mà vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện cho tốt.”
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu giải trình làm rõ thêm và trả lời chất vấn về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Chính phủ nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất năng lực và chuyên nghiệp cao. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Để thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Chính phủ sẽ xây dựng chương trình tổng thể cho giai đoạn 15 năm, kế hoạch hành động 5 năm, hàng năm, trong đó xác định những mục tiêu ưu tiên những trọng tâm, trọng điểm theo lộ trình phù hợp, lồng ghép hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững này vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, từng ngành, từng địa phương. Chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để phù hợp với điều kiện của Việt Nam.”
Về vấn đề giảm nghèo đa chiều, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một mục tiêu của phát triển bền vững của Việt Nam. 20 năm qua Việt Nam có khoảng 30 triệu người thoát nghèo, một thành tích được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Liên quan đến tranh chấp chủ quyền, diễn biến phức tạp trên Biển Đông, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của nhà nước cũng như Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn: “Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Cách thức tiến hành chất vấn tại kỳ họp này có sự đổi mới. Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ các thành viên Chính phủ, các ngành, lĩnh vực. Đây cũng là cách thức chất vấn đến cùng đối với những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội quan tâm.”
Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề hoạt động chất vấn.