Quốc hội nghe báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện

(VOV5) - Quy hoạch tổng thể về thủy điện là nội dung đáng chú ý trong ngày làm việc hôm nay của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII. Trong báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng cho biết Việt Nam hiện còn 815 dự án, công trình thủy điện; trong đó gần 270 dự án đang vận hành. Số dự án đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án. Năm 2012, Chính phủ đã loại khỏi quy hoạch hơn 400 dự án thuỷ điện.   

 

Quốc hội nghe báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện - ảnh 1
đại biểu Trương Văn Vở - Phó trưởng đoàn Quốc hội Đồng Nai – trao đổi với báo chí về các nội dung liên quan đến quy hoạch thủy điện thời gian qua.


Thẩm tra báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khẳng định năm 2012, thủy điện đã đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất phát điện và gần 44% sản lượng điện. Thủy điện còn tham gia chống lũ, chống hạn, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, tạo nhiều việc làm cho lao động. Tuy nhiên, quá trình lập và thực hiện quy hoạch thủy điện đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro như tác động đến môi trường, công tác di dân tái định cư, an toàn hồ chứa...Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, đề nghị:Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất và đồng bộ các quy hoạch phân ngành năng lượng trong đó có quy hoạch thủy điện. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc loại bỏ các dự án thủy điện khỏi quy hoạch gây tốn kém, lãng phí nguồn lực; không thực hiện nghiêm ngặt quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện gây sự cố, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.  

 

Cũng trong ngày làm việc hôm nay, Chính phủ trình Tờ trình sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38 năm 2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo tờ trình, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh tăng 16 km so với Nghị quyết số 38, từ 3.167 km lên 3.183 km. Đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, đi qua 28 tỉnh, thành phố./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác