(VOV5)- Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, chiều 5/11, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Dự án Luật hòa giải cơ sở.
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, nội dung được dư luận và người dân quan tâm nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, Bộ Tài chính xây dựng lộ trình để Chính phủ trình Quốc hội thông qua điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng; đối với người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng. Việc này tuy có giảm thu ngân sách của Nhà nước nhưng được người dân đồng tình.
Đối với dự án Luật hòa giải cơ sở, một điểm mới quan trọng của dự thảo Luật so với pháp lệnh hiện hành là ghi nhận vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải. Về tiêu chuẩn của hòa giải viên cơ sở, bà Ngô Thị Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: “Những người hòa giải viên thường là những người làm ở đoàn thể, có thể là mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, trưởng thôn, chi hội phụ nữ. Thực tiễn chọn cán bộ hòa giải cơ sở rất khó, vừa phải là người có uy tín, có khả năng thuyết phục, sống gương mẫu ở cơ sở của mình và cũng phải được mọi người xung quanh tôn trọng. Cần quan tâm đến yếu tố uy tín, khả năng thuyết phục, tính gương mẫu và nếu hiểu biết pháp luật thì càng tốt.”
Trước đó, buổi sáng, thảo luận ở hội trường thảo luận về dự án Luật Thủ đô, các đại biểu nhấn mạnh Luật Thủ đô cần được Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt, để tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô Hà Nội phát triển trong thời gian tới, xứng đáng ngang tầm với những Thủ đô tiên tiến, văn minh, hiện đại khác trên thế giới. Điểm mới trong dự thảo Luật Thủ đô chỉnh lý lần này là bổ sung quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù để tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển đúng tầm vóc trong tương lai. Về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, góp ý: “Thủ đô là một đô thị đặc biệt, cần có chính sách cơ chế, quản lý điều chỉnh riêng để đạt được những mục tiêu theo chức năng vốn có của Thủ đô. Trước những yêu cầu về phát triển của Thủ đô và yêu cầu riêng biệt của Thủ đô thì cần có một cơ chế, chính sách tài chính đủ mạnh và tôi hoàn toàn ủng hộ Thủ đô Hà Nội cần có một cơ chế tài chính, chính sách riêng. Tôi ủng hộ phương án dự toán chi ngân sách của Thủ đô xác định trên cơ sở định mức phân bổ ngân sách riêng so với các tỉnh trực thuộc Trung ương khác so theo quy định Chính phủ và được sử dụng từ những khoản thu trực tiếp của Thủ đô.”
Các ý kiến cho rằng Nhà nước, các bộ ngành, các địa phương và nhân dân cả nước cùng phải có trách nhiệm ưu tiên, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Đồng thời, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội gương mẫu thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.