(VOV5)- Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội này.
Trước những bất cập chung chung trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, các ý kiến thống nhất cần phải chỉnh sửa theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển… Đi liền với đó là phải công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ông Lê Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng “Tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng có nghĩa quyết định thành bại trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bây giờ, Trung ương đã đưa cơ quan phòng, chống tham nhũng về Trung ương Đảng và do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo, tôi thấy rất đồng tình. Tôi thấy cũng cần phải đổi mới trong xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng.”
Trước đó, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tập trung thẩm định dự thảo Luật Thủ đô. Dự thảo Luật Thủ đô sau khi sửa đổi, bổ sung quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Thủ đô phát triển đúng tầm vóc trong tương lai.
Ông Chu Sơn Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: “Tôi cho rằng dự án Luật Thủ đô cơ bản đã chỉnh lý theo đúng tinh thần với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Đó là Quốc hội thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về Thủ đô, tăng cường nguồn lực cho Thủ đô và bảo đảm cho Thủ đô phát triển trong thời gian tới. Mọi công dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm chăm lo phát triển Thủ đô.”
Quốc hội cũng thẩm định 3 dự án Luật khác gồm: Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật thuế thu nhập cá nhân./.