Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao

(VOV5)- Trong khuôn khổ phiên họp thứ 16, sáng nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIII tiến hành chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  tiến hành chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao - ảnh 1
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình.  Ảnh: Tienphong.vn


Những câu hỏi chất vấn tập trung vào hai nhóm vấn đề. Thứ nhất là những giải pháp để hạn chế những bất cập, yếu kém trong chất lượng xét xử của một bộ phận  cán bộ, thẩm phán của Toà án. Thứ hai là những biện pháp tăng cường giám sát để chống hiện tượng tiêu cực trong ngành Toà án.

Đề cập giải pháp hạn chế tình trạng nhiều án phải Giám đốc thẩm cũng như nâng cao chất lượng xét xử của ngành Toà án, Chánh án Trương Hoà Bình cho biết: “Chúng tôi đã có giải pháp là Hội đồng thẩm phán tăng cường làm việc cả ngày thứ 7 để giảm số lượng án chưa xét xử. Tuy nhiên về lâu dài vẫn là làm sao nâng cao chất lượng xét xử để việc kháng nghị giảm bớt đi. Trên cơ sở đó, chúng tôi xem xét lại các quy định của Luật tố tụng để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp, xem xét lại cơ chế Giám đốc thẩm cho chặt chẽ. Một giải pháp nữa là thành lập những Hội đồng thẩm phán chuyên trách quy mô nhỏ để giải quyết các kháng nghị thì mới tăng được số lượng án Giám đốc thẩm được giải quyết.  Ngoài ra, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Toà án cũng cần được quan tâm. Sắp tới ngành Toà án sẽ triển khai đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo nâng cao Thẩm phán, đào tạo đội ngũ Thư ký Toà án.

Chánh án Trương Hoà Bình cũng cam kết trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo để thực hiện tốt Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp trong năm 2013 và những năm tiếp theo nhằm không để xảy ra án oan, hạn chế tối đa những vụ án quá hạn luật định, khắc phục triệt để tình trạng án tuyên không rõ.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  tiến hành chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục như nâng cao chất lượng đào tạo,  triển khai chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với học sinh miền núi, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng là những nội dung được đề cập tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận, trong phiên họp chiều nay của Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá XIII.

Đề cập việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, một yếu tố giúp Việt Nam hội nhập toàn diện, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Việt Nam đã có Đề án dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai 5 năm, đến nay đã hết. Đề nghị Quốc hội quan tâm để triển khai tiếp việc này. Đề án có chương trình, sách cho giáo viên và cho người học, được dạy trên sóng phát thanh, truyền hình và sẽ triển khai trên mạng. Với 1 số nước ở gần thì hàng năm chúng tôi đưa các giáo viên dạy tiếng Việt về Việt Nam để tập huấn. Trong thời gian tới, Bộ đã và sẽ tích cực thông qua mọi phương tiện truyền thông quyết tâm triển khai công việc này. Chúng tôi cũng sẽ dựa vào các thế hệ người Việt Nam để triển khai chương trình này một cách mạnh mẽ, quyết liệt.”

Đề cập giáo dục ở vùng dân tộc, vùng khó khăn, theo Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ đã triển khai chương trình tiếng Việt, chương trình Lớp học mới để các em có phông tiếng Việt tốt trước khi bước vào bậc phổ thông. Song song với đó là giáo dục liên quan đến đặc thù văn hoá cũng được chú ý để giữ gìn bản sắc dân tộc. Ngoài ra, hệ thống trường dân tộc bán trú cũng sẽ được đảm bảo tốt hơn để các em học tập


Cuối giờ chiều 22/3, phiên họp thứ 16, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13 đã bế mạc.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cần tiếp tục tổ chức họat động nghe báo cáo, giải trình của các Bộ trưởng, trưởng ngành về những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực được phân công, phụ trách. Chủ tịch Quốc hội cho biết: Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ ban hành kết luận về chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp này để làm cơ sở cho các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cử tri có điều kiện tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện đồng thời góp phần giúp cho Chính phủ, các bộ, các ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước./.   


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác