(VOV5) - Đó là “Cua Kềnh vượt vũ môn” của Phạm Thanh Quang, “Thành Messi” của Mai Bửu Minh và “Anh em… hô biến” của Trần Tùng Chinh vừa được NXB Kim Đồng ấn hành.
Ở tuổi ngoài 60, lần đầu tiên “chơi” với thiếu nhi, nhà văn Phạm Thanh Quang đã gửi đến tác phẩm đồng thoại nhẹ nhàng, dễ thương là Cua Kềnh vượt vũ môn.
Cuộc thi bơi “Vượt Vũ Môn” của cư dân đáy hồ hấp dẫn và căng thẳng hơn mọi năm. Nhà Cá chép chiến thắng quá nhiều lần đã trở nên chây lười. Nhân cơ hội đó, nhà Cua với đại diện là Cua Kềnh ra sức tập luyện để giành giải nhất. Tuy nhiên, cuộc thi đã khởi đầu cho nhiều sự kiện bất ngờ. Từ những tranh cãi, giận dữ, thế rồi chiến tranh đã xảy ra giữa hai nhà Cua Cá.
Cua Kềnh vượt Vũ Môn là truyện có thông điệp hiện đại về ý nghĩa của chiến thắng. Thế nào là một nhà vô địch thực sự? Là kẻ về nhất mọi cuộc đua hay vượt qua chính mình? Là kẻ được đối thủ sợ hãi hay kính phục? Là kẻ đạt nhiều thành tích hay làm điều mình thích? Những bài học Cua Kềnh rút ra trong cuộc thi sẽ trở thành hành trang bổ ích cho bạn đọc nhỏ tuổi trong quá trình học tập và phát triển bản thân.
Một nhà văn khác gắn bó nhiều với bạn đọc nhỏ tuổi cũng trở lại vào dịp hè này, là nhà văn Mai Bửu Minh, qua tác phẩm Thành Messi.
Với tài đá bóng siêu đẳng và ý chí mạnh mẽ, cậu bé Thành lớp 5A được bạn bè đặt biệt danh là Thành Messi, theo tên cầu thủ số 10 nổi tiếng người Argentina. Cùng với Dũng Ronaldo, Hoàng Cận và các cầu thủ nhí khác, đội bóng lớp 5A đang tràn đầy khí thế cho các giải đấu mới. Thế nhưng, tai nạn của ba Thành khiến cậu bé đứng trước nguy cơ phải thôi học, từ bỏ ước mơ bóng đá.
Đúng lúc đó, chú Tuấn huấn luyện viên đội bóng huyện xuất hiện. Liệu tình bạn trong sáng, tình cảm thầy trò chân thành có giúp Thành vượt qua khó khăn, tiếp tục đuổi theo việc học và trái bóng tròn? Cùng theo nhà văn Mai Bửu Minh qua 9 chương với 120 trang sách để dõi theo hành trình của Thành Messi và trái bóng nhé!
Và tác phẩm Anh em… hô biến của nhà văn Trần Tùng Chinh, cũng cực kỳ tinh nghịch.
Trong nhà, anh Hai và nhỏ em thường xuyên xảy ra xung đột. Mỗi khi “có biến”, phần thắng luôn nghiêng về nhỏ em. Không chỉ nước mắt cá sấu, nhỏ còn có cái miệng dẻo quẹo thuyết phục ba má tài tình.
Thua thiệt vì bị nhỏ em ức hiếp hoài, thế rồi ngày nọ, một phép lạ tình cờ rơi vào tay anh Hai: Chỉ cần anh Hai thầm ước rồi lẩm nhẩm “hô biến”, tức khắc nhỏ em biến hình thành một con vật nào đó. Bắt đầu từ đây, bao nhiêu chuyện kì lạ xảy ra.
Anh em… hô biến mở ra một thế giới trẻ thơ vui nhộn, nơi các tình huống đời thường và phép thuật hòa lẫn vào nhau. Đi qua thế giới ấy, những đứa trẻ đều biến đổi, trở nên tinh nhạy, thành thật, và biết yêu thương nhiều hơn.