Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam

(VOV5) - Việt Nam có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có ngôn ngữ, nét bản sắc văn hoá riêng. Cuộc sống đang dần đổi thay, nếu không có những chính sách và biện pháp bảo tồn hiệu quả thì một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một. Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà khoa học Pháp và Việt Nam đưa ra bàn luận tại Hội thảo nghiên cứu bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu  số bằng số hoá âm thanh vừa tổ chức tại Hà Nội.


Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam - ảnh 1


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Tại buổi Hội thảo "Triển vọng mở dựa trên việc số hóa các tư liệu tiếng nói” vừa được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, nhóm nghiên cứu thuộc khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và  Viện Nghiên cứu quốc tế MiCa- Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố và giới thiệu về thư viện âm thanh ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Công trình thư viện âm thanh này đã được thực hiện trong hơn 30 năm qua với rất nhiều công sức của các nhà khoa học Việt Nam và Pháp. Đây cũng là thư viện âm thanh xử lý tiếng nói tự nhiên, số hóa tư liệu âm thanh mang tầm khu vực Đông Nam Á. Chỉ cần gõ vài thao tác trong thư viện âm thanh các dân tộc thiểu số Việt Nam, người xem có thể tìm hiểu được nhiều thông tin như: nguồn gốc tiếng, cách phiên âm, thậm chí cả ca dao, dân ca của dân tộc đó dưới dạng các băng ghi âm. Đặc biệt, thư viện âm thanh này đã tập hợp, bảo tồn được 11 ngôn ngữ của nhóm các dân tộc rất ít người, trong đó có ngôn ngữ đang có nguy cơ bị biến mất, chẳng hạn như người Ơ đu đã gần như mất tiếng nói, phải dùng tiếng nói của dân tộc khác để giao tiếp, bởi vậy theo Giáo sư Tiến sỹ Trần Trí Dõi, Giám đốc Trung tâm “Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi”,  thì việc xây dựng thư viện âm thanh như thế này là cấp thiết.  


"Thư viện âm thanh này lưu giữ lại tiếng nói, gồm có ngôn ngữ, những bài ca dao, dân ca bằng âm thanh của dân tộc đó. Nó được lưu giữ lại dưới dạng âm thanh giống như người ta đang sử dụng. Lợi ích thứ hai là nó cung cấp nguồn ngữ liệu cho giới nghiên cứu về ngôn ngữ. Chẳng hạn như tiếng của đồng bào Rục, tiếng nói của họ giữ trạng thái của tiếng Việt cổ. Lợi ích thứ ba là dùng nó như một phương tiện để truyền bá ngôn ngữ, văn hóa dân tộc đó" - Giáo sư Trần Trí Dõi nhận định.


Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam - ảnh 2


Đưa thư viện âm thanh này vào sử dụng cũng góp phần tập hợp đầy đủ ngữ liệu về tiếng nói, hiểu thêm văn hóa của người Việt cổ. Hiện nay thư viện âm thanh cũng đã số hóa được những ngôn ngữ thuộc vào diện rất ít người có nguy cơ bị mất, như tiếng Rục, tiếng A Rem, tiếng tiếng Mã Liềng, tiếng Cuối... Việc đưa thư viện số hoá âm thanh bước đầu tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, những người truyền dạy tiếng dân tộc tiếp cận được nguồn tư liệu quý giá trong công tác giảng  dạy, giúp các học giả  hiểu thêm về phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số, bổ sung thêm vào kho tàng tiếng nói  các dân tộc tại Việt Nam.


Anh Sùng A Chênh, dân tộc Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, nhiều năm nay trăn trở với việc mở các lớp truyền dạy tiếng dân tộc Mông cho bà con trong các bản làng người Mông. Tuy nhiên, với anh công việc khó khăn nhất vẫn là công tác biên soạn và chuẩn bị nguồn tài liệu cho việc truyền dạy tiếng dân tộc. Giờ đây việc ra đời thư viện âm thanh các dân tộc thiểu số sẽ là nơi cung cấp nguồn ngữ liệu âm thanh quý giá giúp cho những người như Sùng A Chênh có thể dùng nó như một phương tiện để truyền bá ngôn ngữ và văn hoá của dân tộc mình. "
Có một số người không phải dân tộc Mông nhưng người ta biết tiếng của dân tộc Mông, thậm chí viết rất thành thạo. Từ đấy tôi trăn trở và tự viết, tìm tài liệu để mở các lớp truyền dạy tiếng Mông. Việc tìm nguồn tư liệu là rất khó khăn. Giờ có nguồn tư liệu âm thanh như thế này cũng thuận tiện cho việc truyền dạy tiếng dân tộc của mình" - anh Chênh cho biết. 


Việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc luôn đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông. Thông qua việc sử nguồn thư viện âm thanh này cũng sẽ góp phần khuyến khích thế hệ trẻ hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác