Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt cuốn sách “Bụng Lửa: Hành trình khám phá tư duy con người” của nhà văn người Mỹ J. C. Michaels qua bản dịch của dịch giả Hoàng Thị Thùy. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, giành được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nautilus Book Awards – giải thưởng lớn của Mỹ trao cho những tác phẩm “tạo sự khác biệt và truyền cảm hứng”.
Là một cuốn sách thật sự đặc biệt, “Bụng Lửa” là tác phẩm hòa quyện giữa văn chương và triết học, cuốn hút nhiều đối tượng độc giả.
Tạp chí Writers Notes Magazine đánh giá, tác phẩm có “ngôn từ giản đơn, bố cục hấp dẫn, dí dỏm lôi cuốn.”
Tạp chí Kirkus bình luận: “Một cách nhìn kì lạ và cuốn hút về triết học.”
Còn Book Pleasures thì nhận xét: “Một chuyện kể thú vị, một câu chuyện ngụ ngôn giúp mở mang trí tuệ.”
Độc giả thiếu nhi thích thú “Bụng Lửa” bởi câu chuyện có dáng dấp của một truyện ngụ ngôn với nhân vật chính là chú cóc Bụng Lửa luôn ấp ủ ước mơ được phiêu lưu khám phá thế giới xung quanh.
Bạn đọc tuổi teen tìm được ở “Bụng Lửa” sự đồng cảm bởi trong số những nhân vật chính của tác phẩm là cô bé mới lớn Caroline với bao băn khoăn về bản thân, sự tò mò về tương lai phía trước…
Các bậc phụ huynh yêu thích “Bụng Lửa” bởi cuốn sách mở ra một góc nhìn mới, giúp họ hiểu thêm về thế giới tâm hồn phức tạp của con cái bước vào tuổi mới lớn.
Và hơn hết, “Bụng Lửa” đặt ra những câu hỏi muôn thuở về ý nghĩa tồn tại của mỗi con người trên Trái Đất: “Tôi là ai?”, “Tôi có thể biết được điều gì?”, “Tôi nên sống như thế nào?”, “Tôi sẽ làm gì trước sự thất bại và do dự khi biết được rằng, cuộc đời tôi rất có thể là do chính tôi tạo dựng và trải nghiệm chứ không phải ai khác?”, “Con người là gì khi không có ước mơ và ý chí tự do?”…
Ngoài phần mở đầu là lời ngỏ dành tặng các bạn thiếu nhi, các bạn tuổi mới lớn cùng các bậc phụ huynh, phần kết tác giả chia sẻ thêm các thông tin khoa học về loài cóc Bụng Lửa, về triết học.
Tác phẩm có kết cấu gồm ba phần chính - là ba quãng đời của chú cóc Bụng Lửa.
Quãng đời đầu tiên là khi chú bắt đầu được sinh ra, sống trong bể kính của một cửa hàng bán thú kiểng và được quan sát, học hỏi bao kinh nghiệm về thế giới bên ngoài với một lão Cóc già.
Quãng đời thứ hai là quãng thời gian Bụng Lửa sống trong ấm êm đầy đủ tiện nghi cùng gia đình cô bé Caroline và mơ tưởng về thế giới bên ngoài theo tưởng tượng của chú qua những gì lão Cóc già kể.
Quãng đời thứ ba là khi Bụng Lửa quyết tâm thoát khỏi chiếc bể kính, ẩn náu trong một chiếc ô tô, trải nghiệm cuộc sống bên ngoài và bước vào thế giới của cô gái tuổi teen Claire.
Tác giả J. C. Michaels có cách kể chuyện rất thú vị và cuốn hút. Câu chuyện của Bụng Lửa, của Caroline và Claire đan cài vào nhau. Không gian, thời gian nhiều khi bị chồng mờ; quá khứ, hiện tại và tương lai xen lẫn nhau; không gian thực và không gian tâm tưởng – thế giới của những giấc mơ hòa làm một.
Ngôi kể cũng liên tục thay đổi, có khi Bụng Lửa là người kể chuyện, đôi lúc là Caroline, xen kẽ với lời của người kể chuyện ở ngôi thứ ba khiến độc giả như được hóa thân vào nhiều nhân vật, sống nhiều cuộc đời khác nhau trong những cảnh huống không giống nhau, từ đó, gợi mở về ý nghĩa của sự tồn tại, cách ta tư duy về những vấn đề của đời sống, cách ta quyết định cuộc sống của mình.
Cô gái tuổi teen Claire nổi loạn bởi cô cảm thấy không hạnh phúc với một cuộc sống đã được lập trình sẵn: “Tất cả chúng ta đều được sinh ra trong một cái hộp, cái hộp đó do những người khác chứ không phải bản thân ta tạo nên… Chúng ta cứ sống sung túc vui vẻ cho tới khi có điều gì đó xảy ra, mang lại nỗi bất an hay sự đau đớn. Ta phát hiện ra rằng, cái hộp kia chỉ là nhất thời. Ta nhận ra rằng, cuộc đời nào rồi cũng có hồi kết…”
Câu hỏi của Claire có lẽ cũng là vấn đề mà mỗi chúng ta trăn trở: “Em muốn biết là cái gì sẽ còn lại khi tất cả cỏ cây, động vật, con người và sỏi đá đều tan biến. Điều gì sẽ còn ở đây khi màu sắc, hình dạng, kích cỡ, mùi vị, chất liệu không còn tồn tại nữa? Thứ gì sẽ ở lại khi cảm xúc và cảm giác, những điều hư cấu và những ý nghĩ diệu kì bị xóa bỏ? Khi những thứ ta có thể gọi tên biến mất khỏi cuộc sống của mình thì điều gì sẽ ở lại?”
Nhờ lão Cóc già giàu kinh nghiệm, Bụng Lửa đã học được rằng: “Sự khác biệt thực thụ là ở cách cậu nghĩ về nó”, “Tất cả tùy thuộc và quan điểm và góc nhìn”, “Nếu cậu cứ dành quá nhiều thời gian ôm ấp những hi vọng hão huyền, kết cục của cậu có thể là bị sa vào vô vọng, vào hư không.” Và “Hãy hi vọng vào những điều cậu có thể đạt được bằng chính sự nỗ lực của mình”…
Tác phẩm khép lại với một kết thúc mở, bởi “Không ai biết toàn bộ câu chuyện, nhưng đôi khi chúng ta thấy được vài dấu vết của câu chuyện ấy trên cuộc đời mình. Và trong một phút ngắn ngủi, chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự tồn tại”, đó cũng là thông điệp mà Bụng Lửa nhắn nhủ tới người đọc.
J. C. Michaels là nhà văn người Mĩ, hiện sinh sống và theo đuổi sự nghiệp viết văn tại Đông Nam Á.
Nhân dịp ra mắt tác phẩm “Bụng Lửa”, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu với nhà văn J. C. Michaels, dịch giả Hoàng Thị Thùy và Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Diệu Linh, với sự dẫn dắt của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
Chương trình diễn ra lúc 10h30, chủ nhật, 27.8.2017 tại Sân khấu 1, Hội sách Quốc tế, Công viên Thống Nhất (Hà Nội).
|