(VOV5) - Các tư liệu lịch sử ghi chép về chủ quyền biển đảo, lãnh thổ chủ yếu là các châu bản và các bộ chính sử của triều đại nhà Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí...Ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của biển đảo cả về vị trí chiến lược quân sự, giao thông, mậu dịch, lẫn khai thác các nguồn lợi thủy hải sản… các vị vua triều Nguyễn có tư tưởng nhất quán về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và xác lập được hệ thống chính sách bài bản về biển đảo cũng như thực thi chủ quyền trên các đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Triều Nguyễn khởi dựng năm 1802 và kết thúc năm 1945. Nhưng trước đó hơn 200 năm, kể từ năm 1558, các đời chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Thuần… đều có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi từ vùng Thuận Hóa đến toàn bộ vùng đất miền Nam và vùng biển đảo phía Nam và Tây Nam của Tổ Quốc. Khi Nguyễn Ánh, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn lên ngôi lấy tên hiệu là Gia Long đã kế thừa tinh thần tự cường và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của các chúa Nguyễn. Ông sớm có có ý thức về sức mạnh của đất nước, sức mạnh của vương triều dựa vào khai thác nguồn lợi trên biển.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, cho biết khi lên ngôi, vua Gia Long tái lập lại đội Hoàng Sa, Bắc Hải, vừa thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát trên biển, vừa có trách nhiệm tham gia hoạt động kinh tế, buôn bán trên biển: Vua Gia Long là người tuyên bố mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều nhà truyền giáo, các thương gia và những người am hiểu tình hình biển Đông của Việt Nam lúc đó cho rằng vua Gia Long đã cắm lá cờ độc nhất vô nhị của mình ở trên quần đảo Hoàng Sa.
|
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển |
Sang giai đoạn trị vì của vua Minh Mệnh, vị vua thứ hai của triều Nguyễn đã đẩy hoạt động chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lên cao hơn trước. Vua Minh Mệnh cử các đội công vụ ra quần đảo Hoàng Sa để khảo sát đo đạc, cắm mốc. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Việt, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, cho biết: Trong châu bản ghi rất rõ là cọc mốc dài 5 thước, rộng 5 tấc. Việc cắm mốc ở các đảo thể hiện chủ quyền của chúng ta. Vấn đề thứ hai là khảo sát vẽ bản đồ, tiến hành định hình lập một cấp cơ sở hành chính, đưa dân ra đánh bắt thủy hải sản. Đó là tầm nhìn của một triều đại phong kiến hưng thịnh. Chưa bao giờ đất nước ta mở rộng, lớn như thời Minh Mệnh.
Trong hệ thống Di sản châu bản triều Nguyễn hiện lưu trữ được, có tới hơn 10 tờ châu bản ở thời vua Minh Mệnh nói đến hoạt động chủ quyền. Một tờ châu bản do vua Minh Mệnh phê cho biết, năm 1830 có tàu của Pháp đi qua vùng biển Hoàng Sa bị mắc cạn. Chính vua Minh Mệnh giao cho người đứng đầu ở cửa biển Đà Nẵng ra ngoài đó cứu hộ cứu nạn, đưa toàn bộ người và hàng hóa trên tàu về cảng an toàn. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh: Điều này thể hiện trách nhiệm cao cả của người đứng đầu nhà nước về quyền hạn của mình và chủ quyền của mình ở vùng biển mình đã khẳng định.
|
Ngoài việc trực tiếp chỉ đạo các hoạt động cứu hộ cứu nạn, đo đạc bản đồ, đo đạc thủy trình thì Vua Minh Mệnh còn phê chuẩn thực hiện những việc liên quan tới yếu tố tâm linh ở quần đảo Hoàng Sa. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc cho biết thêm: Dân ta ra ngoài đó cũng gian nan nguy hiểm cho nên lập miếu thờ ở đó mong các linh hồn siêu thoát. Thậm chí đến việc rất nhỏ nhưng có ý nghĩa là trồng cây. Vua chỉ đạo cả việc trồng cây để cho thuyền bè ở xa thấy cây thì đừng cho thuyền vào chỗ có cây mà lại mắc cạn. Cho cho lập bia chủ quyền và lập các bia gỗ để lưu giữ. Có những đoàn ra ông chỉ đạo cho mang những bia gỗ dài, rộng, nội dung ghi trên bia đều có quy định của vua.
Sang thời vua Thiệu Trị, vai trò của nhà vua trong việc tổ chức các hoạt động chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa cũng được thể hiện rõ. Nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc điều các đội tàu, thuyền ra quần đảo Hoàng Sa.
Thời vua Tự Đức là thời kì khó khăn nhưng việc thực thi chủ quyền ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa vẫn được duy trì. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh: Vào năm 1869, có tàu của Trung Quốc đi từ Phúc Kiến sang Sinhgapo, trên đường đi bị mắc cạn ở Hoàng Sa. Vua Tự Đức giao cho Bộ công ra ngoài đó tổ chức cứu hộ cứu nạn. Hành động này thể hiện vua Tự Đức là vị vua nhân từ, có đầy đủ trách nhiệm của một vị đứng đầu một đất nước để đảm an toàn cho các phương tiện nước ngoài đang hoạt động ở chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, và cũng thể hiện chủ quyền của mình trong khi đất nước gặp muôn vàn khó khăn lúc đó.
Các vị vua triều Nguyễn đã để lại di sản lớn nhất là ý thức chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ và một Tổ quốc Việt Nam từ Hà Giang tới mũi Cà Mau. Đó cũng là bài học lịch sử vương triều này để lại cho hậu thế./.