(VOV5) - Nghề làm muối ở Bạc Liêu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam
Ngày 31/12, tại ấp Gò Cát, xã Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) diễn ra Lễ công bố và đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VH- TT&DL đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”. Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có Di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được xếp vào một trong 7 loại hình của Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đó là loại hình nghề thủ công truyền thống.
Ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng trao Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” cho đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình. - Ảnh: VOV |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân khẳng định: Nghề làm muối ở Bạc Liêu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của nhân dân các huyện Đông Hải, Hòa Bình, của người dân tỉnh Bạc Liêu, nhất là bà con diêm dân ở Bạc Liêu, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Đây cũng là điều kiện để bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết hơn về nét đẹp, văn hóa vùng đất ven biển Hòa Bình, Đông Hải nói riêng và vùng đất Bạc Liêu nói chung.