(VOV5) - Lễ hội Chùa Hương là nơi hội tụ nhiều yếu tố văn hóa, tôn giáo truyền thống, là địa điểm du lịch tâm linh lý tưởng dịp đầu xuân năm mới.
Đã thành thông lệ, hằng năm, đúng ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, du khách thập phương lại nô nức hành hương về nơi tâm linh đất Phật tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, dự lễ khai hội Chùa Hương. Đây là lễ hội dài nhất trong năm, kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, thu hút hàng triệu Phật tử, du khách tới chiêm bái, vãn cảnh.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Lễ hội Chùa Hương là một trong những lễ hội lâu năm và lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam. Với nhiều người dân, xuất hành đầu năm đi trẩy hội Chùa Hương là một việc làm không thể thiếu trong ngày Xuân mới.
"Khởi hành của mình được đến Chùa Hương, nơi tâm linh như thế này, chúng tôi rất tâm đắc. Nhất là khi đi vào ngày khai hội, đúng dịp đầu Xuân.
"Đầu Xuân rất nhiều lễ hội, nhưng năm nào chúng tôi cũng phải đi hội Chùa Hương đầu tiên. Cảm giác rất linh thiêng khi về đất Phật."
"Về với đất Phật, tôi thấy nhẹ nhõm đầu óc, thoải mái tư tưởng."
Trong khi di chuyển bằng thuyền vào trung tâm lễ hội chùa Hương, du khách sẽ được tận hưởng không khí mát lành thiên nhiên mang lại. Ảnh: dangcongsan.vn |
Phật tử, du khách thập phương đến với Chùa Hương là đến với nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, cũng là hành trình trở về với cõi Phật. Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Hương, cho rằng: "Chùa Hương có cái duyên nước non sơn thủy cẩm tú, con người, chùa chiền, hang động mở cửa đón mừng xuân mới và mở rộng vòng tay đón bà con Phật tử, nhân dân khắp mọi miền trảy hội chùa Hương trong suốt 3 tháng. Đây là nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, Phật giáo đan xen lẫn nhau."
Đến đây, mọi người đều dâng lên nén tâm hương và gửi gắm những lời nguyện cầu an lành. Đầu năm mới, cũng giống như mọi người, tôi cầu năm mới được bình an, hạnh phúc cho tất cả mọi người trong gia đình."
Phật tử, du khách thập phương đến với Chùa Hương là đến với nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, cũng là hành trình trở về với cõi Phật.
Ảnh: dangcongsan.vn |
"Chỉ mong cho con cháu có sức khỏe tốt, học hành tốt, làm ăn thành đạt."
Chùa Hương nổi tiếng không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn bởi nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Các nơi thờ tự ở đây được xây dựng rải rác trên triền núi đá vôi, ẩn giữa những tán cây rừng. Để tới nơi hành lễ, mọi người phải leo từ chân núi lên hàng ngàn bậc đá, lần lượt thắp nhang ở chùa Ngoài, rồi vào chùa Trong, lên chùa Giải Oan, chùa Thiên Trù với động Hinh Bồng, động Hương Tích… Chùa nào cũng cổ kính, uy nghi. Nhất là vào mùa lễ hội, nơi đây lúc nào cũng nghi ngút khói hương, tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa linh thiêng, giúp mỗi người như gột bỏ được những xô bồ của cuộc sống, thành tâm chiêm bái.
Khi đến Chùa Hương, du khách còn được hòa mình vào những hoạt động văn hóa, lễ hội nơi đây. Lễ hội Chùa Hương là nơi hội tụ sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo, như: bơi thuyền, hát văn, hát chèo….
Du khách cũng có thể coi ngồi thuyền là 1 thú vui tao nhã, vãn cảnh lạc cõi Phật. Trong ngày chính hội, hàng loạt những con thuyền phủ kín dòng suối Yến. Lễ hội Chùa Hương là nơi hội tụ nhiều yếu tố văn hóa, tôn giáo truyền thống, là địa điểm du lịch tâm linh lý tưởng dịp đầu xuân năm mới.