(VOV5) -Di tích Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 nằm trên địa bàn xã Lộc Tấn, được phát hiện vào năm 1999, khai quật năm 2000.
Ngày 18/6, tại Nhà Giao tế thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 và di tích khảo cổ cấp tỉnh Bãi Tiên.
Di tích Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 nằm trên địa bàn xã Lộc Tấn, được phát hiện vào năm 1999, khai quật năm 2000. Đây là di tích Thành đất hình tròn rộng nhất và còn nguyên vẹn nhất trong các di tích thuộc loại hình này ở Bình Phước. Qua kết quả nghiên cứu về di tích, đây là loại hình di tích độc đáo riêng của Bình Phước, loại hình cư trú cổ xưa của người tiền sử. Ngoài ra, đây cũng là một mảng văn hóa cổ đặc biệt trong dòng chảy văn hóa ở khu vực Đông Nam Á thời tiền sử, di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh về hiện trạng di tích khảo cổ Bãi Tiên. - Ảnh: TTXVN |
Di tích Bãi Tiên là di tích khảo cổ có đặc điểm riêng, lạ, được phát hiện trên địa bàn xã Lộc An, huyện Lộc Ninh. Di tích được các nhà khoa học phát hiện vào cuối năm 2007. Qua kết quả nghiên cứu, bước đầu cho thấy, đây là công trình có sự sắp đặt của bàn tay con người, loại hình di tích khá đặc biệt, lần đầu tiên được ngành khảo cổ học phát hiện.
Bãi Tiên còn có tên gọi khác là mộ cổ ông Rlem gần với truyền thuyết về ông Rlem và lễ hội Phá bàu của đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống tại khu vực này.