(VOV5) - Từ bao đời nay, hệ thống nhà Rường cổ là tài sản quý giá, góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của di sản kiến trúc, văn hóa Huế.
Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm chịu tác động của thời tiết, thiên tai, kiến trúc nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành chính sách quản lý và hỗ trợ bảo vệ nhà Rường Huế đặc trưng, tích cực góp phần phát huy giá trị di sản, giữ gìn bản sắc văn hóa Huế.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhà rường cổ ở làng Phước tích, tỉnh Thừa Thiên Huế, thường đặt trong một không gian rộng, có khuôn viên vây quanh bởi hàng cây được cắt tỉa gọn gàng. Trong không gian ấy, vườn luôn chiếm tỷ lệ lớn, với màu xanh bao phủ bốn mùa.
Nhà rường Huế có nhiều loại hình. Căn cứ vào vật liệu xây dựng để phân loại thì có nhà gỗ, nhà tre, nhà tranh, nhà phên, nhà lá, nhà ngói. Căn cứ vào cấu trúc không gian để phân loại thì có nhà một gian, nhà 1 gian 2 chái, nhà 3 gian, nhà 3 gian 2 chái, nhà 5 gian, nhà đơn, nhà kép…
Nền nhà thường đắp bằng đất sạch, có trộn thêm vôi, tro để chống mối, chống ẩm, và được đầm chặt bằng nhiều lớp. Hệ mái của nhà rường Huế thường có độ dốc lớn để phù hợp với vùng đất có lượng mưa cực đoan - Ảnh: Báo Văn hóa. |
Nền nhà thường đắp bằng đất sạch, có trộn thêm vôi, tro để chống mối, chống ẩm, và được đầm chặt bằng nhiều lớp. Hệ mái của nhà rường Huế thường có độ dốc lớn để phù hợp với vùng đất có lượng mưa cực đoan. Nhà rường thường gồm 4 mái, lợp bằng ngói âm dương, ngói liệt hay lợp tranh. Gỗ vật liệu chính cho nhà rường Huế được ưa chuộng nhất là các loại gỗ mít, gỗ làm cột, kiền kiền,chua, huỷnh làm hệ khung mái.
Nói về ý nghĩa của nhà Rường, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, cho biết: "Trong ngôi nhà rường có những đặc trưng về lễ nghi như ngôi nhà rường 2 gian 3 trái. Gian giữa để thiết kế thờ tự tổ tiên ong bà. Còn để sinh hoạt là những gian 2 trái. Khi con cháu tề tự đông đủ trong nhà mỗi dịp giỗ, thì thường xem nhà rường là ngôi Từ đường."
Nhiều ngôi nhà rường ở làng cổ Phước Tích được trùng tu đã được đưa vào khai thác du lịch. - Ảnh: VOV |
Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 2009 với hệ thống nhà rường hàng trăm năm tuổi. Cả làng hiện có 30 nhà rường cổ, trong đó 24 nhà ở của dân và 6 nhà thờ các dòng họ. Theo thời gian, những ngôi nhà rường cổ ở làng Phước Tích xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai các giải pháp trùng tu, chống xuống cấp. Mới đây, vừa có thêm 3 ngôi nhà rường cổ được trùng tu, bảo tồn.
Năm 2016, sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua Đề án về chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, 25 chủ nhà rường cổ ở Phước Tích đăng ký tham gia đề án này. Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý trùng tu, bảo tồn 3 ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng với kinh phí 1,9 tỷ đồng. Sau hơn bốn tháng triển khai, các ngôi nhà cổ được trùng tu, trả lại nét đẹp của một ngôi nhà rường đặc trưng.
Bà Lê Thị Hoa,72 tuổi, chủ nhân ngôi nhà cổ vừa được trùng tu cho biết: ngôi nhà rường 120 tuổi của gia đình đã được gìn giữ qua 4 thế hệ: "Ngày xưa nhà bị dột, bị hư hỏng, giờ được Nhà nước giúp đỡ sửa chữa khang trang để thờ cúng ông bà. Sau này, khi phục phục du lịch có thêm đồng tiền để phục vụ cuộc sống."
Ngôi nhà rường ở làng cổ Phước Tích vừa được trùng tu - Ảnh: Báo Văn hóa |
Nhiều du khách, kiến trúc sư khi đến làng cổ Phước Tích để tham quan, nghiên cứu đều tỏ ra ngạc nhiên và thú vị vì khi nhìn sự nguyên vẹn của hệ thống nhà rường và nhà thờ dòng họ. Các nhà rường trong làng đã trải qua hàng trăm năm, sau khi được trùng tu sửa chữa vẫn giữ được nguyên vẹn dáng dấp và đặc điểm của nhà rường cổ làng Phước Tích.
Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Ban Quản lý Làng cổ Phước Tích cho biết 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho phép trùng tu thêm 8 nhà rường khác, với tổng kinh phí 7 tỷ đồng, trong đó 5 nhà đã được phê duyệt, 3 nhà còn lại đang tiếp tục làm hồ sơ. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, toàn bộ 25 ngôi nhà cổ tại Phước Tích sẽ được tu bổ: "Hiện chúng tôi tiếp tục tham mưu huyện xin chủ trương UBND tỉnh đầu tư và được UBND tỉnh đồng ý đầu tư 5 nhà và đã làm thủ tục hồ sơ trình ra Bộ Văn hóa để thỏa thuận quy mô, đến nay đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất. Tiếp theo, chúng tôi sẽ triển khai các bước để trình phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo đánh giá kỹ thuật để tổ chức triển khai cải tại, trùng tu."
Việc trùng tu, cải tạo các nhà Rường không chỉ là bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng mà còn tạo thêm điểm nhấn để phát triển du lịch. Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý làng cổ Phước Tích, cho biết sau khi các nhà Rường cổ được đưa vào sử dụng, Ban quản lý Làng cổ Phước Tích đã phối hợp với chủ các nhà rường xây dựng kế hoạch đón tiếp, cải tạo không gian nhà rường, vệ sinh môi trường đề đón tiếp du khách đến trải nghiệm và thưởng lãm tại Làng cổ Phước Tích, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng và homestay tại địa phương