Điểm đến của cuộc đời: Những câu chuyện lay động và bài học về cuộc sống

(VOV5) - Điểm đến của cuộc đời là tác phẩm mới nhất của tác giả Đặng Hoàng Giang về cuộc sống và cái chết.

TS Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, (Đức) và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, (Áo). Hiện anh là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Anh nổi tiếng với những bài viết phản biện cùng hai cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can và Thiện, ác và Smart phone. Điểm đến của cuộc đời là tác phẩm mới nhất của tác giả Đặng Hoàng Giang có cách viết khác hẳn với hai cuốn trước và tràn đầy tính nhân văn, có sức lay động tâm hồn về cuộc sống và cái chết.

Chị Hà là một trong ba nhân vật chính trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời đã phải chống lại những cơn bạo bệnh, phải chiến đấu đến cùng, liệu rằng chết có phải là hết với họ? Song, khác với hai nhân vật Vân và Liên là người bị bệnh, chị Hà là người mẹ đồng hành cùng người con trai trong hành trình chống lại căn bệnh ung thư. Nghe những câu đối thoại giữa hai mẹ con chị Hà mà độc giả không khỏi xót xa và cảm phục. Xót xa vì thương cảm. Cảm phục vì một đứa trẻ vừa mới 8 tuổi đã “biết” và “dám” nói đến cái chết như một người trưởng thành thực thụ.

Điểm đến của cuộc đời: Những câu chuyện lay động và bài học về cuộc sống - ảnh 1

Và nữa, chị Hà trong câu chuyện hiện lên là một người can đảm khi chị không hề né tránh hay giấu diếm mà cùng con nhìn trực diện, đối mặt với cái chết. Đồng hành cùng chị Hà, Vân, Liên và gia đình họ là hành trình không thể nào quên đối với tác giả Đặng Hoàng Giang.

Không còn là một người viết thuần túy đi tìm tư liệu nữa, nhiều khi anh đã trở thành người thân của họ lúc nào không hay. Anh kể, có người đến giai đoạn cuối bệnh phát tán nặng, đau đớn nhưng không bày tỏ với người thân mà lại tìm đến anh như một người bạn những mong được chia sẻ, giãi bày. Như thế, anh coi mình được rất nhiều: “Tôi đã dành một năm trời để đi theo dự án này. Đây là một hành trình rất đặc biệt. Và cuốn sách là những số phận khác nhau, những câu chuyện khác nhau của những người mà đã trải qua những tổn thất lớn…Qua dự án này tôi cũng thấy mình giàu có hơn rất nhiều, được nhận rất nhiều từ họ và thấy cuộc sống nó cũng rực rỡ hơn, đẹp đẽ hơn…”

Tác giả còn cho biết, mục đích lớn hơn “dấn thân vào một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất”, cũng là muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết, và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?

“Tôi hy vọng các độc giả có dịp để chiêm nghiệm về một lĩnh vực rất quan trọng đối với mọi người, đó là về cái chết. Thay vì trốn tránh, thay vì sợ hãi cái chết chúng ta hãy đến gần nó, đối diện với nó để làm quen với nó và lựa chọn một tâm thế, một cái ứng xử cho mình và cho người thân của mình…” – Đặng Hoàng Giang nói.

Là người trực tiếp biên tập cuốn sách, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cảm nhận, những số phận được kể trong cuốn sách (những bệnh nhân ung thư và diễn biến tâm lý của các người thân của họ), dù đang ở tầng bậc tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ vô cùng: “Tôi nghĩ rằng hành trình mà TS Đặng Hoàng Giang đồng hành cùng những người cận tử là một hành trình hết sức nhân văn. Tác giả giúp tôi nhìn sâu vào trong đời sống riêng tư của con người, giúp họ cất lên tiếng nói mà chúng ta chưa từng được biết và họ hiện lên với tất cả những vẻ đẹp…”

Một cuốn sách đặc biệt dành cho tôi, cho bạn, cho tất cả mọi người về những người xung quanh ta; về sự mất mát, về những nỗi đau, và về sự trân quý dành cho cuộc sống. Nếu như hai cuốn sách trước được viết với giọng văn bình luận phân tích xã hội thì ở cuốn này mang tính kể chuyện mà như tác giả tự nhận là thể loại tự sự phi hư cấu: “Tức nó không phải tiểu thuyết, truyện ngắn mà là người thật việc thật. Nhưng mà trong cách thức, kỹ thuật viết thì nó kỹ thuật, thủ pháp của tiểu thuyết. Ví như có cốt truyện, nhân vật, có hoàn cảnh, có lời thoại…”

Giản dị mà giàu cảm xúc, cuốn sách có thể chạm đến trái tim và lòng trắc ẩn của con người. Đó là cảm nhận của giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội-một trong những độc giả đầu tiên của cuốn sách: “Tất nhiên cuốn sách buồn nhưng nó không bi lụy nó cho tôi biết được là những điều buồn trong cuộc sống trên thực tế chỉ để mình nhìn thấy niềm vui nó đẹp đẽ hơn mà thôi. Tôi cảm thấy cuộc sống này nhiều tầng lớp và nhiều ý nghĩa hơn thay vì những cái thứ lo toan hàng ngày chúng ta thường gặp. Thứ hai nữa tôi thấy trân trọng hơn những gì mình có, và cũng mong mỏi là làm sao mình sống để lại cái gì đó cho đời.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác