(VOV5) - “Đối thoại” là triển lãm đầu tay của De.lac, nhóm nghệ sĩ thực hành các dự án nghệ thuật lấy cảm hứng từ sơn mài.
Triển lãm "Đối thoại" với các tác phẩm hội họa sắc màu và phong cách khác biệt, được kết hợp giữa sơn mài, âm nhạc và video 3D art, đang diễn ra ở Hà Nội. Đây là nơi khán giả được trực tiếp khám phá các chất liệu mới được phát triển từ nghệ thuật sơn mài truyền thống.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Đối thoại” là triển lãm đầu tay của De.lac, nhóm nghệ sĩ thực hành các dự án nghệ thuật lấy cảm hứng từ sơn mài, gồm 3 thành viên: Trương Hoàng Hải - họa sĩ, Nguyễn Quang Vũ - họa sĩ và Nguyễn Đoàn Quang Huy - nghệ sĩ VFX.
Trong không gian triển lãm đậm chất Việt của Đình Nam Hương (ở Hà Nội), triển lãm Đối thoại hướng người xem đến với những trải nghiệm nghệ thuật đa giác quan như một sự chuyển giao tinh tế giữa những gam màu thân quen thường nhật với những sắc màu mới lạ.
Từ trái sang: Nguyễn Đoàn Quang Huy, Nguyễn Quang Vũ và Trương Hoàng Hải. Ảnh: VOV |
Các tác phẩm được sáng tác dựa trên sự kết hợp của sơn mài với nhiều dạng chất liệu, mô tả vẻ đẹp thiên nhiên, hoa sen qua các mùa, cầu Long Biên biểu tượng văn hóa lịch sử của thủ đô….
Họa sĩ Nguyễn Quang Vũ thành viên nhóm nghệ sĩ trẻ De.lac cho biết: "Sử dụng tên “Đối thoại” vì thành viên nhóm có sự riêng biệt về cá tính và gu thẩm mỹ. Việc kết hợp những nghiên cứu đó và nghệ thuật của từng thành viên sẽ tạo ra sự đối thoại về nghệ thuật riêng biệt, nhằm tôn từng nét riêng đó lên thành một tác phẩm chung. De.lac muốn truyền tải một thông điệp mới mẻ, muốn cho giới trẻ Việt Nam nói chung và bạn bè ngoài nước nói riêng có cơ hội hiểu hơn về nghề sơn mài truyền thống của Việt Nam.
Nhóm De.lac thể hiện nghệ thuật sơn mài với đa dạng chất liệu và loại hình nghệ thuật. Ảnh: VOV |
3 nghệ sĩ trẻ đam mê nghiên cứu, sáng tạo, thử nghiệm sơn mài trên nhiều chất liệu khác nhau, như: nhựa tái chế, lụa, da, kim loại... Trương Hoàng Hải, tốt nghiệp Khoa Hội Họa, Nguyễn Quang Vũ, tốt nghiệp Khoa đồ họa, Nguyễn Đoàn Quang Huy, nghệ sĩ 3D và Visual app. Mỗi người với thế mạnh chuyên môn của mình đã làm mới các tác phẩm sơn mài, mang đến vẻ đẹp độc đáo cho mỗi bức tranh. Tư vấn và đồng hành cùng các nghệ sĩ trẻ, Giám tuyển giảng viên Nguyễn Thế Sơn đánh giá:
"Từ những nỗ lực làm mới chính mình cũng như khám phá các chất liệu mới, cách thức tiếp cận mới, các bạn đã khai phá một cách thức tiếp cận mới của sơn mài. Ở đây hoàn toàn không dùng góc truyền thống nữa. Rất nhiều tác phẩm sử dụng nhựa tái chế. Điều này mở ra hướng mới, hướng tới điều giá trị hơn nữa. Sự suy tư của giới trẻ bây giờ không đơn thuần chỉ về nghệ thuật, mà bắt đầu đã gắn với câu chuyện về xã hội, kể cả về môi trường."
Theo họa sĩ, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, “Đối thoại” không chỉ mang đến góc nhìn mới về nghệ thuật sơn mài mà còn gắn kết với yếu tố văn hóa lịch sử khi triển lãm được tổ chức tại đình Nam Hương, ngôi đình hàng trăm năm tuổi của Hà Nội: "Đình Nam Hương đã trở thành địa chỉ văn hóa của quận Hoàn Kiếm. Tổ chức ở đây cho thấy nhận thức mới của quận Hoàn Kiếm cũng như sự đồng hành của các nghệ sĩ khi bắt đầu đưa những hoạt động nghệ thuật vào những ngôi đình. Thực ra, chức năng của đình trong nhiều thế kỷ cũng là cả những hoạt động văn hóa văn nghệ, chứ không chỉ là nơi thờ cúng, sinh hoạt hội hè. Ở Hà Nội, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm, gần đây có một loạt các dự án về đánh thức giá trị của các ngôi đình. Nhóm của các nghệ sĩ trẻ cùng với cả Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn làm mới các ngôi đình, làm sống lại các ngôi đình và đưa ngôi đình trở về một cái thực thể văn hóa".
Triển lãm “Đối thoại” không chỉ tạo ra sự đối thoại về nghệ thuật nhằm tạo nên một sự tổng hòa trong đa sắc mà còn góp phần đánh thức những không gian di sản, để không này trở thành những ngôi nhà chung của cộng đồng sáng tạo của những người trẻ, của cộng đồng yêu nghệ thuật. Xa hơn, sẽ trở thành không gian kết nối cho những tour du lịch nghệ thuật, là động lực để phát triển kinh tế sáng tạo, là nơi để người trẻ góp phần gia tăng những giá trị cho văn hóa truyền thống.