(VOV5) - Không gian triển lãm phục dựng 5 nhà Rông, nhà Sàn có kiến trúc truyền thống tiêu biểu của các tộc người thiểu số Tây Nguyên.
Khởi đầu cho chuỗi sự kiện 9 chương trình của Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022 diễn ra từ tháng 11 đến hết tháng 12/2022, chiều 11/11, tại bờ hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), diễn ra khai mạc không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”.
Nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ảnh minh họa: TTXVN |
Không gian triển lãm phục dựng 5 nhà Rông, nhà Sàn có kiến trúc truyền thống tiêu biểu của các tộc người thiểu số Tây Nguyên: nhà Dài của người Ê đê, nhà Rông của dân tộc Xê Đăng, nhà sinh hoạt hàng ngày người K’Ho, nhà Rông và nhà Sàn của dân tộc Ba Na. Trong các căn nhà truyền thống trưng bày hơn 3.000 hiện vật gồm nhạc cụ, văn hóa tín ngưỡng, nghi thức và lễ hội, dụng cụ săn bắn, trang phục thổ cẩm truyền thống, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống... của các tộc người Tây Nguyên từ nhiều thế kỷ qua.
Dịp này, tại không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” còn diễn ra chương trình trình diễn thời trang giới thiệu những bộ trang phục cách tân được hoàn thiện bằng thổ cẩm với họa tiết, màu sắc riêng của từng dân tộc ở Tây Nguyên.
Ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, Trưởng Ban tổ chức Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022, cho biết: “Hai sự kiện khởi đầu cho chuỗi sự kiện Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022 không chỉ là điểm nhấn, mà còn truyền tải, thể hiện mong muốn tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Từ đó, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của mỗi địa phương”.