(VOV5) - Đầu Xuân, hàng chục Nhà thờ họ ở Quảng Yên được trang trí bằng cờ ngũ sắc, câu đối và những bức hoành phi để làm lễ giỗ Tổ.
Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 120 dòng họ. Mỗi độ xuân về, các dòng họ ở đây lại tổ chức giỗ Tổ, tưởng nhớ các vị Tiên Công có công khám phá, lập hòn đảo Hà Nam trù phú, thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
Nghe âm thanh tại đây:
Đầu Xuân, hàng chục Nhà thờ họ ở Quảng Yên được trang trí bằng cờ ngũ sắc, câu đối và những bức hoành phi để làm lễ giỗ Tổ. Các thế hệ con cháu trong các dòng họ đang công tác hay làm ăn xa xứ, đều trở về quê hương để dâng nén tâm hương tại các nhà thờ họ, tưởng nhớ tổ tiên: “Tôi sinh ra ở Hà Nam nhưng đến Thành phố Hạ Long sinh sống, làm ăn. Những ngày đầu năm, tôi lại trở về quê hương để tham gia lễ giỗ Tổ. “Tôi lấy chồng xa quê nên rất mong muốn đưa chồng, con về quê hương. Tôi muốn con mình lớn lên sẽ hiểu về các giá trị văn hóa của quê hương, đất nước, hiểu về dòng họ mình.”
“Đầu năm, tất cả các dòng họ ở Hà Nam, các con cháu đều về quê vào ngày giỗ Tổ để ghi nhớ cội nguồn. Vào ngày này, gia đình nào có cụ Thượng từ 80 tuổi trở lên sẽ làm cỗ dâng lên nhà thờ họ gồm: đầu lợn, bánh dày, các loại hoa quả... Đây là niềm tự hào và là trách nhiệm của từng thành viên để xây dựng dòng họ thịnh vượng.”
Tết phẩm trong lễ Giỗ được con cháu chuẩn bị đầy đặn, |
Là một trong những dòng họ lớn của vùng đảo Hà Nam ở thị xã Quảng Yên, họ Vũ có từ đường thờ cụ thủy tổ dòng họ Vũ Hồng Tiệm ở xã Phong Cốc được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2001.
Ông Vũ Trọng Lưu, Chủ tịch Hội đồng gia tộc dòng họ Vũ Hồng, chia sẻ: “Dòng họ hằng năm vẫn tham gia lễ hội Tiên Công, động viên con cháu học hành, tham gia tế lễ... Phần mộ các cụ từ Thủy tổ cho đến bây giờ vẫn được giữ gìn.”
Trong lễ giỡ Tổ của các dòng họ, không thể thiếu lễ Tiên Công nhằm tưởng nhớ công lao của các vị Tiên Công trong việc khai phá, lập làng, đồng thời là dịp để con cháu mừng thọ các bậc cao niên. Hình ảnh đẹp nhất của lễ Tiên Công là các cụ Thượng tròn 80 tuổi, 90 tuổi và 100 tuổi được rước trên kiệu rồng, võng đào, diễu hành trang trọng trong tiếng trống hội và sự vui mừng của các thế hệ con cháu.
“Hôm nay tôi đến lễ đường Tiên Công để tạ ơn các vị Tiên Công khai sinh ra mảnh đất Hà Nam. Năm nay tôi đã 80 tuổi, tôi rất xúc động.”
“Tôi mong muốn các thế hệ sau giữ được truyền thống của ông cha; cố gắng học tập, rèn luyện tốt cho mai sau.”
Lễ giỗ Tổ là dịp để rèn giũa nhân cách và định hướng con cháu đến những điều tốt đẹp. Đó là truyền thống "kính trên nhường dưới", "hiếu nghĩa với tổ tiên", "đoàn kết trong dòng họ". Ông Ngô Minh Tâm, Nguyên Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Ngô, bày tỏ: “Ngày giỗ Tổ đầu năm đều nhắc nhở, đánh giá chung về điểm mạnh điểm yếu của con cháu. Con cháu tiến bộ thì được nêu gương. Có phương pháp giáo dục rất hay là khen thì khen chỗ đông người, còn nhắc nhở thì nhắc riêng cá nhân. Làm gì mình cũng phải xem có làm được không mới nói, mới làm. Việc thi đua theo hương ước của xã, đối với cụ cao tuổi như thế nào, đối với cụ thượng 80 như thế nào, các lễ nghi đình đám rước Thánh như thế nào, rước Tiên công như thế nào... Họ nào làm tốt hơn thì học người ta.”
Lễ giỗ Tổ của các dòng họ quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng đều mang đậm dấu ấn văn hóa gia tộc và thể hiện sự tôn kính với tổ tiên.
Ông Nguyễn Thế Nhâm, Chủ tịch UBND phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, cho biết: “Việc tuyên truyền vận động thường được thực hiện thông qua ông trưởng dòng họ. Qua đó, tinh thần đoàn kết của nhân dân tốt hơn; nhân dân chấp hành tốt về chủ trương chính sách của Nhà nước; mọi mâu thuẫn được giải quyết từ trong dòng họ, góp phần đem lại bình an cho cộng đồng.”
Những lễ giỗ Tổ ở Quảng Yên là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại. Trong hành trình ấy, tình yêu quê hương, nguồn cội được nuôi dưỡng, trở thành động lực để thế hệ trẻ phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.