Nếp nhà, nét văn hoá truyền thống trong dòng chảy hội nhập

(VOV5) - Nếp nhà của người Việt Nam không chỉ là những cách ứng xử, là lời ăn tiếng nói, mà còn là tình yêu đối với truyền thống văn hóa gia đình. Đó có thể là truyền thống kính trọng người già, tôn sư trọng đạo, nếp hiếu học, là tình yêu với nghề gia truyền, nét văn hoá kinh doanh, trách nhiệm với di sản của thế hệ trước để lại... Thời cuộc có những biến thiên, nhưng văn hoá gia đình vẫn được kế thừa và truyền lại qua các thế hệ, góp phần tạo nên sức sống bền bỉ của văn hóa của dân tộc. 

Nếp nhà, nét văn hoá truyền thống trong dòng chảy hội nhập - ảnh 1
Ảnh tư liệu

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Khởi nguồn từ cấu trúc truyền thống các làng xã Việt nam, mỗi gia đình Việt nam trước đây thường sống quần tụ 2-3 thế hệ, thậm chí có những gia đình “Tứ đại đồng đường” gồm 4 thế hệ ông bà, cha mẹ, con, cháu cùng chung sống dưới một mái nhà. Bởi vậy nếp nhà, hay truyền thống gia đình là vô cùng quan trọng để giữ cho gia đình được hạnh phúc. Người Việt nam xưa thường có câu: “ Nhà phải có gia phong”, đó chính là nếp nhà, mà bây giờ nếp nhà được gọi là văn hóa gia đình. Nền nếp gia đình xưa là phải có trên, có dưới, có già, có trẻ, phải ứng xử theo phong cách trọng già, quý trẻ, chấp hành tục lệ như khi “bề trên” nói, thì “bề dưới phải lắng nghe”. Có điều gì chưa phù hợp thì từ tốn đưa ra ý kiến trao đổi để đi tới hòa đồng. Một triết lý sống đơn giản như thế, nhưng đã góp phần giữ gìn hạnh phúc cho biết bao thế hệ các gia đình Việt nam.

Nét nổi bật nhất trong nếp nhà, truyền thống văn hoá gia đình của người Việt nam là luôn ghi nhớ cội nguồn, biết ơn công lao sinh thành của cha mẹ. Chị Dương Thị Hậu nhà ở quận Hai Bà Trưng Hà Nội sinh trưởng trong gia đình có 8 người con, giờ chị đã lên chức bà ngoại, nhưng cứ vào ngày lễ hay chủ nhật, chị lại cùng chồng và các con, cháu về quê thăm cha mẹ ở quê nhà. Cụ Dương Tự Cường, là bố của chị Hậu hiện sống ở huyện Thường Tín, ngoài thành Hà Nội, xúc động kể: 
“Xưa nay chúng tôi có tục lệ là con cái nhớ đến công ơn sinh thành của bố, mẹ… Con cái sống hạnh phúc thường nhớ đến bố mẹ, mang quà đến biếu rất chu đáo, đầy đủ. Chúng tôi cũng rất phấn khởi được các con nghĩ đến mình như thế thì rất quý”.

Duy trì nền nếp quan tâm chăm lo cho ông bà, cha mẹ cũng chính là cách chị Hậu giáo dục cho con cháu về cách ứng xử sự kính trọng ông bà, cha mẹ, nhớ tới cội nguồn của mình. Muốn giữ được nếp nhà trong mỗi gia đình, trước hết người lớn phải làm gương cho lớp trẻ, cho con cháu soi vào mà noi theo. Có lẽ vì vậy mà những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống vẫn giữ được không khí yên ấm trong một mái nhà. Ông Đinh Văn Hạnh, nguyên là sỹ quan quân đội nghỉ hưu, sống với con cháu ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội, cho biết: 
“Mặc dù đã được nghỉ hưu, nhưng chúng tôi vẫn công tác xã hội. Giờ nghỉ hưu sức khoẻ có hạn, chúng tôi suy nghĩ về ở cùng con cháu trong gia đình, chúng tôi có gắng gương mẫu trong mọi việc từ ăn ở, nói năng, giáo dục con cháu. Dù tuổi cao, nhưng chúng tôi vẫn giúp con trong trong lao động, dạy dỗ các cháu . Từ khi chúng tôi có con rồi có các cháu như bây giờ chưa bao giờ dùng roi vọt để giáo dục con cháu…”.

Theo dòng chảy của xã hội, lối sống không phải bất biến mà thay cũng đổi theo thời đại. Trước đây, nhiều gia đình Việt 3-4 thế hệ sống chung, nhưng thời nay, nhiều đôi vợ chồng trẻ có xu hướng tách ra ở riêng để được tự do, thoải mái. Ở các thành phố với đa phần là các gia đình hạt nhân chỉ có 2 thế hệ gồm bố mẹ và con cái, nhưng về cơ bản, truyền thống gia đình cũ vẫn được duy trì. Hai vợ chồng chị Đỗ Thị Hiền ở phố Hoàng Cầu, Hà Nội thường xuyên phải đi công tác xa. Thế nhưng, dù công việc bận rộn đến đâu anh chị đều thu xếp để cả gia đình họp mặt nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần. Trong một buổi họp mặt như thế, chị Hiền rất xúc động khi nhận món quà nhỏ từ cậu con trai, nhân kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng chị. Với chị, đó là món quà rất có ý nghĩa. Chị chia sẻ: "Tôi
 thực sự bất ngờ khi nhận được bức ảnh của con trai mình đã ghép tặng cho mình trong ngày này. Tôi cảm thấy xúc động và hạnh phúc khi thấy con cái đã trưởng thành”.

Mái ấm gia đình luôn là mạch nguồn sức mạnh, nâng bước từng thành viên trên mỗi nẻo đường cuộc sống. Người Việt nam xưa từng nói “mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, ý nói rằng mỗi gia đình có một điểm riêng, nhưng tựu chung đều hướng tới một gia đình tốt đẹp trong đó tình cảm yêu thương gắn kết giữa các thành viên luôn là cốt lõi và được vun đắp lớn dần lên. Gìn giữ những nét đẹp của gia đình Việt nam truyền thống kết hợp  hài hoà những giá trị văn hoá gia đình thời hiện đại sẽ góp phần tạo nên nền tảng  xã hội tốt đẹp, hình thành nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt trong dòng chảy hội nhập./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác