(VOV5) - Nghệ nhân ưu tú chính là những người giữ lửa và tiếp lửa cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương.
Hiện tại ở Đắk Lắk có 25 Nghệ nhân ưu tú, trong đó 24 nghệ nhân vừa được công nhận chính thức vào năm 2019. Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là sự ghi nhận của Nhà nước dành cho những nghệ nhân dân gian vì những nỗ lực của họ trong việc lưu giữ và phát huy di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc. Điều này sẽ thôi thúc hơn nhiệt huyết cống hiến của các nghệ nhân cho cộng đồng, xã hội đồng thời động viên thế hệ trẻ tham gia việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nổi tiếng là người thuộc nhiều bài khan, biết sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Y Wang Hwing ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Chư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, được mọi người xem là báu vật sống của dân tộc Ê đê. Với tài năng của mình, nghệ nhân Y Wang không chỉ biểu diễn phục vụ cho buôn làng mà còn thường xuyên được mời đi biểu diễn ở trong và ngoài nước.
Nghệ nhân ưu tú Y Wang Hwing thổi ding năm
|
Chia sẻ về niềm đam mê với khan, nghệ nhân Y Wang kể rằng, ngày trước, vào mùa lễ hội hay sau một ngày lao động mệt nhọc, mọi người quây quần bên bếp lửa nhà sàn, bên ché rượu cần sắp nhạt và nghe khan. Mỗi cuộc khan thường bắt đầu từ 7-8 giờ tối hôm trước đến 5-6 giờ sáng hôm sau; có cuộc kéo từ ngày này sang đêm khác, đêm này nối đêm kia. Những điệu khan trở nên thân thuộc như lời ăn tiếng nói hàng ngày và được Y Wang tiếp tục kể cho mọi người suốt mấy chục năm qua.
Ở tuổi 70, với danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Y Wang Hwing tự hào vì có hơn 50 năm tham gia công tác gìn giữ văn hóa dân gian của dân tộc mình. Ông tâm sự: "Năm nay được nhà nước trao tặng Nghệ nhân ưu tú tôi rất vui. Tôi tự hào vì bản thân mình cũng được lưu diễn khắp mọi miền đất nước.Tôi vui vì học trò của mình cũng hát kưt, kể khan như mình. Tôi đã già rồi làm đươc điều đó tôi rất tự hào. Sau này tôi có nhắm mắt thì những gì mình đã biết thì cũng đã truyền dạy cho thế hệ con cháu".
Nghệ nhân ưu tú Ama H'Loan làm nhạc cụ dân tộc
|
Ông Y Bhiông Niê (Ama H’ Loan) ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, cũng là một trong 24 nghệ nhân ở Đắk Lắk được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú trong năm 2019. Ông là nghệ sĩ thực thụ trong lòng bà con buôn làng. Hơn 10 tuổi, ông đã chế tác được những nhạc cụ tre nứa. Theo thời gian, bằng sự quan sát và học hỏi của mình, Ama H’Loan đã tích lũy được vốn hiểu biết về việc chế tác nhạc cụ truyền thống của cha ông để lại. Cũng từ những nguyên liệu tự nhiên thô sơ như tre nứa, gỗ, quả bầu khô, sừng trâu… và con dao sắc, ông đã làm sống dậy những nhạc cụ ngủ quên trong trí nhớ nhiều người Ê Đê như đing năm, ching kram… Giờ đây, dù đã ngoài 80, nhưng mỗi khi có lớp dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng hay làm nhạc cụ ông vẫn miệt mài tham gia truyền dạy.
"Tôi rất vui và cảm động khi được nhận phần thưởng cao quý. Bao nhiêu năm miệt mài đi khắp nơi để lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc đến nay già được công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đây là niềm vinh hạnh, là sự ghi nhận của Nhà nước về những điều già đã làm. Với danh hiệu này, quãng đời còn lại già sẽ tiếp tục để chỉnh chiêng, dạy chiêng, chế tác nhạc cụ và kêu gọi mọi người cùng giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. Để làm sao Đắk Lắk ngày càng có nhiều hơn nữa nghệ nhân ưu tú như già" - Ông Y Bhiông Niê nói.
Việc công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú không chỉ là vinh dự cho bản thân các nghệ nhân mà còn là niềm tự hào của cộng đồng. Nó góp phần tôn vinh, những cống hiến của họ, đồng thời khích lệ, động viên các nghệ nhân có những cống hiến nhiều hơn nữa trong công tác bảo tồn, truyền dạy những di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng.
Nghệ nhân ưu tú Y Wang Hwing tấu chiêng
|
Nghệ nhân Y Nguh Niê, ở buôn Huk B, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar cho biết, dù chưa được nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong dịp này, nhưng danh hiệu đó là một sự khích lệ tinh thần to lớn để các nghệ nhân thêm quyết tâm lưu giữ và trao truyền vốn văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau. Nghệ nhân Y Nguh Niê chia sẻ: “Tôi rất vui vì tại tỉnh Đắk Lắk đã có 25 nghệ nhân được nhà nước công nhận nghệ nhân ưu tú. Tôi cảm thấy mình được khích lệ, cố găng trong việc tấu chiêng, chỉnh chiêng. Mong cơ quan chức năng tại tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung những nghệ nhân khác và các thế hệ trẻ yêu mến cồng chiêng để học hỏi nhiều hơn. Riêng bản thân tôi thì tôi luôn cố gắng hết sức mình để gìn giữ phát huy di sản văn hoá của dân tộc mình".
Ông Y Kô Niê, Phó trưởng phòng Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, nếu như năm 2017 - năm đầu tiên Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, tỉnh Đắk Lắk chỉ có 1 nghệ nhân được công nhận, thì năm 2019 vừa qua, với 24 nghệ nhân được công nhận Nghệ nhân ưu tú đã nâng tổng số nghệ nhân ưu tú tại Đắk Lắk lên 25 người.
Theo ông Y Kô Niê, danh hiệu Nghệ nhân ưu tú không chỉ thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước với những công hiến của các nghệ nhân, nó còn giúp cho các nghệ nhận nhận thức đúng vai trò, trọng trách của mình để xứng đáng với danh hiệu. "Trước đây những người biết tấu chiêng, biết thổi các nhạc cụ, biết kể khan, họ chưa có sự thiết tha kêu gọi, dạy dỗ các thế hệ trẻ học hỏi gìn giữ những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. Nhưng từ khi được nhà nước công nhận nghệ nhân ưu tú, họ hết lòng cố gắng truyền dạy cho thế hệ trẻ học hỏi. Còn chúng tôi là những cán bộ văn hoá cũng tin tưởng những nghệ nhân ưu tú sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình để truyền dạy cho con cháu để phát triển những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc" - Ông Y Kô Niê nói.
Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vai trò của đội ngũ nghệ nhân hết sức quan trọng. Bởi họ chính là những người giữ lửa và tiếp lửa cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương và hiểu được tâm tư, ước vọng, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá cao đối với những đóng góp to lớn của các nghệ nhân mà còn cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người tài năng và tâm huyết với văn hóa dân tộc.