(VOV5) - Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả loạt tiểu thuyết như "Hồ Quý Ly", “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu Thượng ngàn” qua đời ở tuổi 89.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. |
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán báo tin cho PV báo Tiền Phong, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vừa qua đời lúc 14h55 chiều 12/6 tại nhà riêng. Ông Nguyễn Đình Toán đang lo chọn trong kho ảnh chân dung nhà văn để làm ảnh thờ và trực tiếp mang qua gia đình. “Gia đình đưa nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vào nhà lạnh tại bệnh viện Thanh Nhàn”, Nguyễn Đình Toán thông báo.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Cổ Nhuế (Hà Nội). Ông từng học Đại học Y Hà Nội đến năm 1952 đi bộ đội, từng dạy học ở Trường sĩ quan Lục quân. Sau này ông chuyển về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông cũng từng làm việc cho báo Thiếu niên Tiền phong trước khi nghỉ hưu non năm 1973. Sau này ông sống tại con ngõ nhỏ ở Trần Khát Chân, nhưng khi đau ốm lại được đón về nhà con trai để tiện chăm sóc.
|
Bộ ba tiểu thuyết đồ sộ của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
|
Độc giả biết tới Nguyễn Xuân Khánh qua loạt tiểu thuyết viết về văn hóa và lịch sử Việt: “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”, hay tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo”. Ông còn dịch thuật nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Những quả vàng”, “Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất”, “Bảy ngày trên khinh khí cầu”, “Tâm lý học đám đông”.
Nguyễn Xuân Khánh từng được nhắc tới là nhà văn lớn tuổi nhất viết dài nhất khi ra mắt “Đội gạo lên chùa” năm 2011. Tiểu thuyết viết về Phật giáo dày gần 900 trang. Năm 2012 trong cuộc trò chuyện với ông tại nhà riêng, nhà văn bảo đấy là ông còn “tự cắt bớt”, nếu không tác phẩm lên tới hơn nghìn trang.
|
"Chuyện ngõ nghèo" là tác phẩm xuất bản sau cùng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
|
“Chuyện ngõ nghèo” xuất bản năm 2016 được xem như tự truyện của Nguyễn Xuân Khánh, viết về thời cả nước có sáng kiến nuôi lợn để cải thiện đời sống. Văn giới nhận định tác phẩm cuối cùng của ông mới là “đỉnh” nhất. Nhà văn mất rất nhiều năm để gửi bản thảo tới các nhà xuất bản khác nhau để in sách.
Trong suốt mấy chục năm cầm bút, ông nhận nhiều giải thưởng như: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000 cho “Hồ Quý Ly”, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 cho “Hồ Quý Ly”, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 cho “Mẫu Thượng ngàn”, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”. Ông được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời.
Nguyễn Xuân Khánh là một trong những nhà văn say nghề cho tới những năm cuối cuộc đời. Khi ngấp nghé 80 tuổi nhưng ông không ngừng viết. Ông kể ngày nào cũng ngồi vào bàn viết như thói quen. Sau khi xuất bản “Chuyện ngõ nghèo”, Nguyễn Xuân Khánh gần như ngừng viết, sức khỏe ngày một yếu. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng là người chịu khó tới nhiều cuộc hội họp, gặp gỡ của văn giới. Ông chính là nhà văn cao tuổi bậc nhất dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tại Tuyên Quang năm 2011.
Bạn văn thường nói Nguyễn Xuân Khánh “sống trẻ”, dù cuộc đời nhiều thăng trầm. Trong một cuộc trò chuyện, người viết hỏi ông nghĩ sao về điều này, ông cười: “Cốt là cách sống, suy nghĩ, vấn đề, ý tưởng. Chẳng hạn tôi quan niệm là đổi mới chủ yếu là đổi mới tư duy, con người sẽ thấy rất thoải mái. Cách sống cũng thế, vì khi viết nó cũng phản ánh cuộc sống của mình. Tôi cũng rất hứng thú với các chuyến đi, những dịp đi đây đó không phải để viết, mà cho người viết cái nhìn bao quát hơn, cũng có cảnh trí sau này hữu ích khi viết”.