Ông Voòng Phúc Niệp, người 35 năm bảo vệ cột mốc biên cương

(VOV5) -  Ở bản Ngàn Phe xa ngái của xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, nơi giáp ranh biên giới với Trung Quốc, có một người đàn ông đã có hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ cột mốc biên cương. Ông là Voòng Phúc Niệp, dân tộc Dao, một người con của vùng Đông bắc luôn coi việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng quốc gia là nhiệm vụ của chính mình.


Ông Voòng Phúc Niệp, người 35 năm bảo vệ cột mốc biên cương - ảnh 1


Nghe âm thanh tại đây:




Từ trung tâm huyện Bình Liêu, lên tới bản Ngàn Phe, những ngôi nhà đất mái
ngói phong trần nằm nép mình bên sườn đồi yên ả. Nhà ông Voòng Phúc Niệp nằm cuối con đường đất, từ cửa nhà nhìn qua hàng rào tre chỉ thấy mênh mông rừng hồi, rừng thông ngút ngát. Hàng ngày nếu không đến thăm hỏi trò chuyện với dân bản thì ông Niệp cũng lên rừng, khi thì chích nhựa thông, khi thu hoạch hồi. Khoảng một tháng ông lại theo bộ đội biên phòng đi tuần tra dọc biên giới. Huyện Bình Liêu có 6 xã biên giới với 41 cột mốc thì riêng Ngàn Phe có 2 mốc. Nhắc đến mốc giới, ông kể chuyện hồ hởi hơn. Hơn nửa cuộc đời, ông gắn bó với những cột mốc biên cương. 18 tuổi, anh thanh niên Voòng Phúc Niệp đi bộ đội. Ngày rời quân ngũ, về quê ông theo chân các chiến sĩ biên phòng đi tuần tra trên tuyến biên giới. Ngày ấy, hai cột mốc phân định ranh giới với Trung Quốc ở Ngàn Phe cách bản chừng 5km. Để đến được mốc chỉ có độc con đường mòn, băng rừng lội suối, dốc cao thăm thẳm. Cứ chừng nửa tháng không có người qua là cây rừng đã phủ kín mặt. Ông Niệp tâm sự: "Dân hiểu rằng việc bảo vệ là lợi ích cho dân, là mảnh đất quê hương mình, nhỏ mọn thôi nhưng cũng là của mình. Cái mốc đấy là mốc quốc gia của mình. Mình phải bảo vệ, đi lại cảm thấy có gì lạ thì kịp thời báo với cấp trên của xã, biên phòng, cũng không khó khăn gì. Đi nhiều, người đàn ông dân tộc Dao thuộc từng tảng đá, bờ cỏ nơi biên cươn".


Năm 1983, sau khi chuyển sang làm chủ nhiệm hợp tác xã, rồi làm trưởng bản, trách nhiệm mới càng khiến ông tâm huyết hơn với nhiệm vụ giữ gìn biên ải. Ông Niệp cần mẫn tới từng nhà, trò chuyện, vận động dân bản rằng việc bảo vệ biên ải không phải chỉ của riêng bộ đội, mỗi người Ngàn Phe cũng là một chiến sĩ biên phòng.  Ông nói: "Thường xuyên vận động bà con, nhiệm vụ chính trị rồi. Vận động bà con chấp hành, bảo vệ đất quê hương nhà mình. Bà con nhà mình chấp hành rất tốt.Có đường mới, đường lên với cột mốc dễ dàng hơn".


 Ngàn Phe giờ cũng khác
nhiều. Nhờ cây hồi, cây thông, nhờ chăm chỉ cần cù, dân bản đã có cuộc sống no đủ, lũ trẻ có xe đạp, áo mới đi học, hơn nửa số nóc nhà đã thay bằng nhà cấp 4, nhà hai tầng khang trang. Nếp sống văn hóa, xóa bỏ hủ tục, rồi tự nguyện hiến đất, bỏ công sức, tiền của ra làm đường mới, những đổi thay lớn lao ấy trong nhận thức của người dân nơi này có một phần không nhỏ công sức của người trưởng bản, người cán bộ uy tín, gương mẫu Voòng Niệp. Trung úy Bùi Xuân Hoa, cán bộ tuyên truyền đồn biên phòng Hoành Mô cho biết: " Chú Niệp rất nhiệt tình và năng nổ trong công việc, tinh thần trách nhiệm. Dân bản rất đồng tình ủng hộ và tin tưởng. Chú được lãnh đạo xã  và cơ quan
ban ngành khen ngợi, như là năm nào chú được giấy khen của cấp trên tặng".


Theo chân ông Voòng Phúc Niệp lên đường tuần tra biên giới, sau lưng chúng tôi bản Ngàn Phe dần nhỏ lại, lẫn vào màu xanh trùng điệp của núi rừng. Con đường rạch ngang lưng núi cứ lên mãi ở độ cao trên 1000m, ngoái lại chỉ thấy tựa như sợi chỉ mỏng manh, gió thổi lạnh cả người. Mảnh dẻ nhưng rắn rỏi, bước chân ông Niệp nhanh thoăn thoắt bước hơn 150 bậc thang lên cột mốc 1302, chúng tôi chẳng thể theo kịp. Hỏi sẽ tiếp tục công việc “không lương” này đến khi nào, ông bảo, đến khi hết sức khỏe, không đi được sẽ có con mình, cháu mình tiếp tục nhiệm vụ, sẵn sàng bảo vệ đường biên, mốc giới. Ông Voòng Niệp cùng những người dân nơi đây là những “chiến sĩ không mang quân hàm” giống như cây hồi, cây quế, lặng lẽ tỏa hương nơi biên ải Đông Bắc xa xôi của Tổ quốc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác