(VOV5) -Các tham luận khẳng định nền văn hóa Hùng Vương chính là nền văn hóa bao trùm qua mọi thời đại, mọi giai đoạn phát triển lịch sử Việt Nam.
“Phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Thăng Long” là chủ đề hội thảo do Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương tổ chức sáng 6/8 tại Hà Nội.
Lịch sử nhà nước Việt Nam mở đầu với thời kỳ Hùng Vương. Theo truyền thuyết, triều đại Hùng Vương có 18 đời vua. Hùng Vương thứ I là con trai của Lạc Long Quân, lên ngôi vào năm 2879 trước công nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo-Ảnh Ngọc Anh |
Các tham luận tại hội thảo khẳng định nền văn hóa Hùng Vương chính là nền văn hóa bao trùm qua mọi thời đại, mọi giai đoạn phát triển lịch sử Việt Nam. Di tích lịch sử, văn hóa thời đại Hùng Vương là một phần quan trọng trong di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Tại hội thảo có hơn 10 tham luận đề cập tới các chủ đề như: Dấu ấn văn hóa Hùng vương trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội; Các di tích phản ánh thời đại Hùng Vương - An Dương Vương trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa thành phố Hà Nội; Tín ngưỡng thờ các nhân vật thời Hùng Vương trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Thiếu tướng Phạm Văn Dần, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương, cho biết: “Hà Nội là cội nguồn của văn hóa dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ của văn hóa Hùng Vương. Khu vực Hà Nội có hơn 500 di tích thời Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Lịch sử thời đại Hùng Vương là một nhà nước, một phương thức sản xuất, tổ chức xã hội, một nền văn hóa phong tục tập quán, tiếng nói ngôn ngữ đặc sắc của dân tộc Việt Nam đã tồn tại và phát triển hàng ngàn năm. Trên thế giới, không dễ gì một dân tộc có Quốc tổ và có ngày Quốc giỗ. Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc đã công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn và phát huy là tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan.”
Ngày nay, văn hóa thời đại Hùng Vương có sức sống lâu dài và lan tỏa tới mọi người dân thông qua các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở mỗi vùng, miền trên đất nước Việt Nam.
Các giá trị văn hóa từ thời đại Hùng Vương thấm sâu vào tâm hồn con người, gắn kết mỗi người dân Việt Nam, tạo nên bản lĩnh của con người Việt Nam. Đặc biệt, hình tượng Quốc tổ Hùng Vương in đậm trong tâm thức người dân Việt Nam, vừa làm hạt nhân trung tâm kết nối vừa làm chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới.