(VOV5) - Cũng không ít các di tích, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước và cộng đồng quốc tế vinh danh.
Các lễ hội truyền thống, các công trình văn hóa ở các vùng miền luôn thu hút du khách trong nước và nước ngoài tới tham quan bởi những giá trị trường tồn mang những nét đặc trưng của dân tộc Việt. Bài viết của Kim Lan sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu được công việc bảo tồn những giá trị này trong cộng đồng ở các địa phương:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức không chỉ ở trong nước mà còn ở cộng đồng người Việt ở nước ngoài cho thấy giá trị của nghi lễ này đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ người Việt. Làm được điều này chính là đáp ứng nguyện vọng của bà con người Việt lâu nay muốn gìn giữ và phát huy nét văn hóa của dân tộc, để họ luôn nhớ về cội nguồn như nhận định của nhà sử học Dương Trung Quốc:Gìn giữ bảo lưu nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một cách bảo tồn giá trị văn hóa. Nguyện vọng là những gì chuẩn mực về lễ nghi thì giữ gìn giá trị cổ điển và phù hợp với đời sống hiện đại
Bức tượng Vua Hùng được đặt tại tỉnh Udonthani. Ảnh: nhandan.com.vn |
Không chỉ có lễ hội Đền Hùng và nghi lễ thờ cúng Hùng Vương mà ở khắp mọi miền đất nước, hàng năm, có biết bao nhiêu lễ hội được tổ chức gắn với những công trình lịch sử và những giá trị văn hóa. Cũng không ít các di tích, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước và cộng đồng quốc tế vinh danh. Nằm ở ngoại thành Hà Nội, khu di tích Đình Hội Xá trải qua bao thăng trầm của lịch sử đã được gìn giữ cho đến tận bây giờ với những truyền thuyết về cư dân của làng ở đời Hùng Vương thứ 6 đi đánh giặc cùng ông Gióng. Nghệ thuật hát múa Ải Lao cũng đã ra đời khi đó gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng.
Ngày nay, di tích này đã được cấp bằng phi vật thể cấp quốc gia và hát Ải Lao được người dân địa phương gìn giữ. Ông Nguyễn Văn Ngập, một người dân ở khu vực này cho biết:Gắn liền với di tích lịch sử Đình Hội Xá thì bây giờ đoàn phường Ải Lao dạy dỗ các con em trai đinh của làng luyện tập gìn giữ nền văn hóa gìn giữ được bằng phi vật thể và nghệ thuật hát múa Ải Lao
Chùa Linh Ứng Đà Nẵng. Ảnh: dulichvietnam.com.vn |
Nhận thức được vai trò của các di tích lịch sử và cộng trình văn hóa mang những giá trị đặc sắc và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, các địa phương đã có những kế hoạch bảo tồn không chỉ để phát huy giá trị các di tích mà còn thu hút được du khách khi tới Việt Nam. Ở miền Trung, đã hình thành một con đường di sản liên kết các địa phương để làm giàu thêm các sản phẩm du lịch văn hóa.
Ông Nguyễn Xuân Bình, phó Giám đốc Sở du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết:Thành phố Đà Nẵng xác định hướng đi khác hơn đó là phát triển mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển và công vụ mice, trên cơ sở phối hợp các di sản văn hóa và di sản tự nhiên trong khu vực làm phong phú hơn, giàu hơn các sản phẩm du lịch của vùng, trong đó có Đà Nẵng và các khu vực miền Trung
Ảnh: báo Gia Lai |
Các lễ hội văn hóa, các di sản, di tích với những giá trị lịch sử đang tửng ngày được gìn giữ, bảo tồn trong cộng đồng dân cư nhờ nhận thức của mỗi người dân về niềm tự hào của địa phương khi có được những công trình này. Bởi các công trình chính là thể hiện bề dày lịch sử với những giá trị đặc trưng của từng địa phương. Với Lâm Đồng, không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO vinh danh chính là kho tàng mà người dân nơi đây cần phải gìn giữ. Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch Lâm Đồng thì cách bảo tồn đó là:Thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy trong đồng bào, phục dựng các lễ hội gắn với không gian văn hóa cồng chiêng. Về phía đồng bào ngoài các lớp truyền dạy, tổ chức các liên hoan trong cộng đồng dân cư để bà con tự hào về văn hóa này và có ý thức giữ gìn
Các lễ hội, từng địa phương và mỗi người dân Việt ở trong nước và nước ngoài vẫn luôn ý thức được những giá trị trường tồn và niềm tự hào về cội nguồn dân tộc.