Tết Nguyên đán bồi đắp bản sắc Việt

(VOV5) - Tết không chỉ là khoảng thời gian cố kết tình thân trong gia đình mà còn là dịp cố kết tình thân trong cộng đồng, làng xã, là dịp bồi đắp bản sắc văn hóa Việt Nam.

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp, ngày cuối cùng của năm Qúy Mão. Với mỗi người Việt Nam, dù đi bất cứ đâu, làm bất cứ công việc gì thì Tết cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi đặc biệt để trở về quê hương, gặp lại người thân, kể cho nhau nghe những chuyện đã qua trong năm cũ và mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. 

Nhưng Tết không chỉ là khoảng thời gian cố kết tình thân trong gia đình mà còn là dịp cố kết tình thân trong cộng đồng, làng xã, là dịp bồi đắp bản sắc văn hóa Việt Nam.       

Phần 1: TẾT TRUYỀN THỐNG SUM VẦY – TẾT ĐOÀN VIÊN

Ngày 30 Tết, tại bến xe, ga đường sắt, nhiều chuyến xe, chuyến tàu vẫn hối hả rời bến, đưa những hành khách cuối cùng về quê, kịp đoàn tụ với gia đình đón năm mới Giáp Thìn.

Tết Nguyên đán bồi đắp bản sắc Việt - ảnh 1Ngày 30 Tết, tại ga đường sắt, chuyến tàu vẫn hối hả rời bến, đưa những hành khách cuối cùng về quê. Ảnh minh họa: laodong.vn

Trong khi đó, không khí sum vầy ngày cuối năm đã tràn ngập trong căn nhà nhỏ của ông An, 84 tuổi, ở Hà Nội. Năm nay, ông đón đứa cháu ở nước ngoài về ăn Tết: “Điều khiến mình nhớ nhất đó là cảm giác sum vầy, ấm áp tình cảm gia đình, sự mong ngóng thời khắc giao thừa…Sau bữa cơm tất niên là chờ xem chương trình Táo quân. Ông bà thì chuẩn bị sắp sẵn mâm cúng giao thừa ngoài sân, chuẩn bị bao lì xì mừng tuổi. Tất cả những cái đó khi xa nhà đều rất nhớ. Ở nước ngoài, dù cho có đầy đủ các món ăn ngày Tết, như: bánh chưng, giò, pháo hoa.., nhưng không thể có được cảm xúc này” – ông An chia sẻ.

Chụp ảnh có tất cả thành viên trong gia đình là nếp quen thuộc của gia đình ông An trong ngày 30 Tết. Đây là món ăn tinh thần đã được gia đình ông duy trì mấy chục năm nay. Không sử dụng điện thoại, không dùng máy ảnh cá nhân, ông thuê thợ đến nhà chụp để đảm bảo mỗi bức hình lưu giữ những khoảnh khắc chất lượng nhất: “Mỗi năm, cứ chiều 30 Tết, thích nhất và rộn ràng nhất là lúc chụp ảnh. Bức ảnh đại gia đình, ông bà chụp cùng nhau, chụp với từng gia đình con trai, con gái, chụp với các cháu… vui lắm. Và sau mỗi năm tôi lại phóng to 1 bức ảnh chụp đại gia đình để treo lên như một bộ sưu tập thời gian”.

Tết Nguyên đán bồi đắp bản sắc Việt - ảnh 2Dù xã hội ngày càng hiện đại nhưng những phong vị của Tết cổ truyền dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn được gìn giữ trong từng mái nhà. Ảnh minh họa: tuoitre.vn

Với ông An, trên bức tường ở phòng khách, những bức ảnh đại gia đình chính là niềm tự hào, là minh chứng cho sự gắn kết, đoàn tụ đã trở thành truyền thống của gia đình ông: “Trước Tết, tôi luôn điện thoại để nhắc các con, cháu phải có mặt đầy đủ để đốt nén nhang cho ông bà tổ tiên sau một năm làm việc, phấn đấu. Quan trọng hơn là cùng nhau trải qua những khoảnh khắc Tết đầm ấm, để giáo dục cho các cháu biết nguồn cội, cũng như vun đắp thêm tình cảm gia đình thiêng liêng”.

Dù xã hội ngày càng hiện đại nhưng những phong vị của Tết cổ truyền dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn được gìn giữ trong từng mái nhà.

Phần 2: TẾT XƯA LÀNG VIỆT – GÌN GIỮ GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

Tết không chỉ là dịp cố kết tình thân trong từng mái nhà mà còn là dịp cố kết tình thân trong cộng đồng, làng xã, là dịp bồi đắp, thể hiện rõ nhất bản sắc Việt.

Người dân xã Thanh Mỹ, Sơn Tây, chuẩn bị cho ngày 30 Tết bằng cách khôi phục lại tục đụng lợn, giúp gắn kết tình làng xóm thêm bền chặt.

Tùy lợn to hay lợn nhỏ mà dăm bảy nhà giao kèo chung nhau một con. Tục đụng lợn không chỉ đơn giản là để chia thịt liên hoan, mà còn thể hiện sự quây quần, đoàn tụ, sung túc, đủ đầy.

Gia đình ông Mỹ, xã Thanh Mỹ, năm nay, đụng một con lợn 65 kg. Lợn đụng được mổ ra phần thịt xương được chia đều cho các hộ, một phần thịt được dùng làm nhân bánh chưng, phần còn lại sẽ chế biến món ăn ngày tết: “Năm nào, gia đình cũng nuôi một con xong rồi đụng lợn cho nó vui.  Tôi phấn khởi lắm thấy mọi người quây quần chia thịt, gói bánh, vui vẻ. Để thế hệ sau theo gương của ông bà nên hằng năm, tôi duy trì tục lệ này, tổ chức cho ngày Tết đầm ấm, cho các con, cháu phát huy truyền thống của cha ông mình”.

Giữa cuộc sống hiện đại, tập tục đụng lợn là một nét đẹp không chỉ làm phong phú thêm văn hóa ngày tết của người Việt, mà còn tạo sự gắn kết cộng đồng, địa phương.

Tết Nguyên đán bồi đắp bản sắc Việt - ảnh 3Gói bánh chưng ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh: VOV

Cách Thanh Mỹ vài cây số, Tết truyền thống của làng quê Bắc Bộ Việt Nam hội tụ sinh động tại làng cổ Đường Lâm, một ngôi làng đặc trưng đồng bằng Bắc Bộ. Cổng làng, đình Mông Phụ, các ngôi nhà cổ... rực rỡ sắc màu của những chậu hoa Tết, cành đào, câu đối, những đồ trang trí.

Tết Nguyên đán bồi đắp bản sắc Việt - ảnh 4Nhảy sạp ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh: VOV

Tại sân đình, không gian ngập tràn hương vị Tết. Nào là gói bánh chưng, múa lân sư rồng, nào là góc ông đồ, nào là nặn tò he. Và Tết của người Việt không thể thiếu các trò chơi dân gian, như: chọi gà, bịt mắt đập niêu…, trò chơi nào cũng được hưởng ứng, tiếng cười vui vang khắp làng cổ.

Vẻ đẹp cổ kính của ngôi làng hàng trăm năm tuổi, các không gian sáng tạo nghệ thuật hòa quyện cùng lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Tết đặc trưng của Việt Nam.                    

PHẦN 3 –  GIỮ BẢN SẮC TẾT VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI

Bản sắc Việt trong ngày Tết được bồi đắp, giữ gìn trong cộng đồng người Việt ở trong nước và ở cả nước ngoài: “Món gà này có nước mắm, xả, ớt toàn hương vị của Việt Nam nên khi nào nhớ Việt Nam là em làm món này; có cả bánh chưng nữa; tối 30 Tết, em gọi điện về cho bố mẹ để đỡ nhớ nhà”

Đó là tâm sự của Lê Trung Tính, đang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Để tạo không khí Tết cộng đồng, các em đều tụ tập thành những nhóm nhỏ, nấu những món ăn truyền thống rồi cùng thưởng thức.                                  

Nguyễn Thanh Hằng, năm nay 39 tuổi, lập gia đình và định cư tại Bắc Kinh đã được hơn 10 năm. Những cái Tết mà không về Việt Nam, Hằng luôn chuẩn bị đầy đủ các món ăn hương vị Việt: “Thực ra, em có thói quen là Tết chuẩn bị cả đồ Việt. Thường em sẽ chuẩn bị bánh chưng, giò chả, nem chua và khi cận Tết, em cố gắng gói nem nữa, vì những món ăn này cả nhà chồng em ai cũng thích”.

Tết Nguyên đán bồi đắp bản sắc Việt - ảnh 5Các chị em cộng đồng người Việt tại Pháp háo hức chụp ảnh Tết. Ảnh: Anh Tuấn/VOV

Trong khi đó, đã thành truyền thống, cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, Hội Tôn vinh Văn hóa Việt lại cùng tụ họp tại Tòa thị chính Quận 20 Paris, để cùng nhau đón Tết cổ truyền của người Việt Nam.   

Năm nay, màn múa lân, diễn võ cổ truyền, trình diễn áo dài và cả những món ăn đậm chất Việt Nam, Tết cổ truyền Giáp Thìn với chủ đề “Xuân Tự Hào, Tết Thăng Hoa” mang lại sự hấp dẫn, vui tươi tới đông đảo bà con kiều bào và bạn bè Pháp. Bà Nguyễn Đức Diane Thu Dung chia sẻ: “Tôi chưa có may mắn được tham dự Tết ở Việt Nam, chính vì vậy việc tổ chức ngày lễ Tết ở Paris giúp cho chúng tôi cảm nhận được không khí Tết. Thấy mọi người mặc quần áo đẹp, vui vẻ đón Tết, chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.

Tết Nguyên đán bồi đắp bản sắc Việt - ảnh 6Lê Thị Thùy Linh, thuộc chi hội Khmer-Việt Nam tỉnh Siem Reap. Ảnh: VOV

Tại thủ đô Phnompenh, Đại sứ quán Việt Nam ở Vương quốc Campuchia tổ chức Chương trình gặp gỡ “Xuân Quê hương - Giáp Thìn 2024”. Nhiều đại diện khách mời là bà con Việt kiều từ các địa phương khác nhau tại Campuchia tham dự. Bà con bày tỏ vui mừng, xúc động khi được gặp gỡ đồng bào trong không khí ấm áp, mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Lê Thị Thùy Linh, thuộc chi hội Khmer-Việt Nam tỉnh Siem Reap, chia sẻ: “Được thưởng thức những tiết mục văn nghệ, và đặc biệt nhất vẫn là những món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết, được giao lưu với bà con cộng đồng người Việt ở các tỉnh thành trên đất nước Campuchia. Đó là niềm vui thật là ấm áp khi được đón Tết ở nơi đất nước bạn”.

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống, là thời khắc thiêng liêng giao thời giữa năm cũ và năm mới. Trải qua một chặng đường dài của lịch sử, với biết bao thế hệ, nhiều phong tục tập quán đã bị mai một nhưng vẫn có những nét đẹp văn hóa của Tết xưa còn được giữ gìn và bồi đắp cho đến ngày nay. Điều đó khiến Tết Nguyên đán trở thành một “hệ giá trị văn hóa” của quốc gia, của dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác