(VOV5) - Việc bảo tồn di sản kiến trúc hoàn toàn có thể song hành cùng với quá trình đô thị hoá, nếu như các bên biết hài hoà lợi ích với nhau.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị trẻ, năng động với “tuổi đời” mới chỉ hơn 320 năm nhưng trên địa bàn có nhiều di sản kiến trúc đặc sắc kết tinh trong suốt chiều dài phát triển.
Với tốc độ đô thị hoá nhanh như hiện nay, nguy cơ mai một dần những di sản kiến trúc quý báu là vấn đề thành phố phải đối mặt. Thành phố đang giải bài toán vừa phát triển được kinh tế, vừa bảo đảm gìn giữ khối di sản kiến trúc cho thế hệ mai sau.
Trải qua 135 năm, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica) vẫn đẹp lộng lẫy, tráng lệ và uy nghiêm; được coi là một tuyệt tác kiến trúc đô thị Sài Gòn
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo thống kê, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 172 di tích, trong đó có 40 di tích là công trình kiến trúc có thể phát huy thành điểm đến du lịch. Cho đến nay, những tuyệt tác kiến trúc mang tính di sản tại thành phố như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, chợ Bến Thành, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn được xem là biểu tượng, của thành phố bởi chúng chứa đựng nhiều giá trị về mỹ thuật, văn hoá, lịch sử.
Câu chuyện về bảo tồn di sản kiến trúc của thành phố Hồ Chí Minh thật sự được hâm nóng khi cuối năm 2018, thành phố có phương án cải tạo Dinh Thượng Thơ, hiện là trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông tại trung tâm thành phố, để mở rộng không gian làm việc của chính quyền. Toà nhà này có tuổi đời 130 năm, mang đậm phong cách kiến trúc Pháp, đã tồn tại qua nhiều thăng trầm, biến cố của thành phố. Hiện công trình này đã được các chuyên gia và cơ quan chức năng xem xét đánh giá để tìm phương án bảo tồn. Toàn thành phố hiện còn khoảng 1.300 biệt thự kiến trúc cổ, rất nhiều trong số này thuộc sở hữu tư nhân nên việc bảo tồn khối di sản này gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, di sản kiến trúc là bản sắc của đô thị, phá di sản thì đô thị không còn bản sắc, không thể phát triển văn hóa, du lịch. Do đó, cần phải hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
"Để bảo tồn di sản trong quá trình phát triển đô thị, vai trò quyết định thuộc về chính quyền và nhà đầu tư, vai trò quan trọng là nhà nghiên cứu và cộng đồng. Trước mắt chính quyền phải có tầm nhìn thật sự thể hiện qua quy hoạch cụ thể, thực thi các chính sách bảo tồn và chế tài, thậm chí đưa ra các luật lệ mới để bảo tồn di sản" - bà Hậu nói.
Kiến trúc sư Trần Văn Khải, nguyên Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học và Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị, giải pháp là biến bảo tồn thành nguồn lực phát triển. Ở góc độ Nhà nước có ba công cụ trong tay: quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng cơ sở và chính sách thuế. Các chính sách Nhà nước không chỉ bắt buộc mà phải nâng đỡ mọi người. Làm sao để người có di sản có thu nhập tốt để người đó không phá đi di sản, như vậy họ sẽ bảo tồn.
Ảnh tư liệu: Quang cảnh Dinh Thượng Thơ xưa - hiện là trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông tại trung tâm thành phố
|
Đặt vấn đề bảo tồn di sản gắn liền với khai thác giá trị kinh tế, kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp, thành viên Hội kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng thành phố Hồ Chí Minh phải có quy hoạch di sản trước khi có quy hoạch đô thị. Để với một khu đất có di sản, doanh nghiệp vẫn có thể giữ di sản và vẫn phát huy được giá trị khu đất. Theo KTS Cao Thành Nghiệp: "Bảo tồn và phát triển là hai mặt hữu cơ, nếu định hình bảo tồn khu vực trung tâm tốt thì công tác phát triển đô thị ở các quận xung quanh cũng sẽ phát triển. Cần có danh sách các công trình bảo tồn cấp thành phố mà không cần đợi xếp hạng là di tích quốc gia".
Về phía cơ quan quản lý, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn hoặc di sản văn hóa không được bảo tồn một cách hợp lý, nhất là các công trình địa điểm gắn với kiến trúc đô thị, khảo cổ học… Thời gian qua, thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp trong giải quyết các dự án tu bổ di tích. Tuy nhiên, vẫn còn các công trình mà chủ sở hữu hoặc người trực tiếp sử dụng công trình chưa đồng thuận. Theo ông Quân: "Liên quan đến các công trình kiến trúc đã được bảo tồn thì các công trình xung quanh phải có trách nhiệm hỗ trợ kinh tế. Khi họ ở cạnh công trình di sản thì đã được hưởng lợi về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng".
Việc bảo tồn di sản kiến trúc hoàn toàn có thể song hành cùng với quá trình đô thị hoá, nếu như các bên biết hài hoà lợi ích với nhau. Chủ sở hữu di sản hoặc doanh nghiệp có thể biến di sản kiến trúc thành nguồn lực kinh tế để phát triển du lịch, khai thác giá trị văn hoá. Quan trọng hơn, bảo tồn di sản kiến trúc là trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ hiện nay, để vừa tôn trọng lịch sử, vừa để lại cho thế hệ sau nguồn tài nguyên vô giá.