(VOV5) - Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là hệ thống những áng văn thơ tinh túy nhất được tuyển chọn từ sáng tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn.
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thứ ba của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2016. Triển lãm “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” diễn ra tại Hà Nội, giới thiệu những bài thơ bằng chữ Hán chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế ở nhiều đề tài khác nhau. Nội dung nổi bật của những bài thơ này là tinh thần dân tộc qua việc khẳng định về những truyền thống văn hiến tốt đẹp, niềm tự hào về giang sơn gấm vóc.
Thơ được chạm khắc tinh tế trên liên ba của gian chính trong điện Thái Hòa. Ảnh: hueworldheritage
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
|
Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là hệ thống những áng văn thơ tinh túy nhất được tuyển chọn từ sáng tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn. Những tác phẩm này được chạm, khắc, khảm, cẩn, tráng men hay đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình tại kinh đô Huế giai đoạn 1802-1945. Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế thể hiện nhiều chủ đề nội dung khác nhau, nhưng tựu trung ở các chủ đề chính: ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất; ca ngợi cảnh đẹp vùng đất đế đô, vẻ đẹp của hoa cỏ, cây cối, các mùa trong năm; khuyến khích nông nghiệp, chia sẻ nổi niềm với người dân... Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: “Chỉ có duy nhất kiến trúc cung đình Huế vào thời Nguyễn có hệ thống thơ khắc trên kiến trúc cung đình và đặc biệt là thơ được khắc ở các vị trí khác nhau ở các ngôi điện. Những công trình quan trọng thì được khắc thơ còn những công trình không có tính chất quan trọng thì không được khắc thơ. Hiện nay theo thống kê của chúng tôi có 2.909 ô hộc được khắc thơ và có thể một ô hộc là một bài thơ, nhưng bên cạnh đó, nhiều ô hộc ghép lại cũng là một bài thơ.”
Văn thơ chữ Hán kiến trúc cung đình Huế là những bản gốc (dưới dạng dương bản) duy nhất hiện còn ở quần thể Di tích Cố đô Huế, Việt Nam. Các ô hộc thơ văn chữ Hán hiện còn vẫn là hiện trạng gốc, hoàn toàn chưa có sự thay đổi, điều chỉnh hay làm mới. Đây là những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao trong trang trí một công trình kiến trúc, vừa đẹp, trang trọng, vừa quý phái, trí tuệ. Văn tự được thể hiện là một bức tranh, là một bức thư pháp, vừa là một tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc bản thể hiện sự tài hoa và tâm hồn của các nghệ nhân xưa. Để thể hiện được điều này, những nhà kiến trúc xưa phải am hiểu về thư pháp, họa pháp, và các loại công nghệ truyền thống để tạo nên hình thức trang trí độc đáo này. Ông Nguyễn Phước Hải Trung cho biết thêm: “Cách thể hiện của Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có rất nhiều loại như được khắc trên gỗ rồi sơn son thiếp vàng, có loại được tráng men trên đồ pháp lam…. Đặc biệt, thơ trên kiến trúc cung đình Huế cũng thể hiện giá trị về mỹ thuật, là những bức thư pháp của những người viết chữ đẹp, của các quan đại thần viết chữ đẹp dưới thời Nguyễn và thơ được khắc theo 4 kiểu chữ: chân, thảo, triện, lệ. Đây là các thể thư trong bộ môn nghệ thuật thư pháp, được đánh giá rất cao. Các vị vua triều Nguyễn đều là những người giỏi chữ nghĩa và đều là những nhà thơ và là những người viết chữ Hán đẹp.”
Đại nội Huế. Ảnh: hueworldheritage |
Đặc biệt hơn nữa, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thế hiện những nội dung rất phong phú và tùy thuộc vào khu vực mà thơ văn đó được đặt; đồng thời chính những bài thơ đó biến thành những họa tiết trang trí cho công trình kiến trúc. Đây là một nét độc đáo được UNESCO đánh giá rất cao. Nó không đơn thuần chỉ truyền tải nội dung mà bản thân nó là một tác phẩm mỹ thuật. Năm 2016, di sản Thơ văn trên kiến trúc cùng đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Triển lãm “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” đang diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội cũng chính một cách để bảo tồn và giới thiệu tới công chúng những giá trị đặc sắc của di sản Thơ văn trên kiến trúc cùng đình Huế. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miến-Quốc Tử Giám, nêu rõ: “Triển lãm này diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nơi lưu giữ 82 bia Tiến sĩ cũng là di sản tư liệu thế giới, đó là sự kết hợp rất có ý nghĩa của Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miến-Quốc Tử Giám với Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế. Với mục đích giới thiệu những di sản tư liệu thế giới của Huế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm giới thiệu cho công chúng Thủ đô những di sản quý giá của cha ông để lại. Di sản liên quan đến thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản mới được Tổ chức UNESCO công nhận năm 2016. Với những bài thơ mang đậm tinh thần dân tộc và thể hiện những truyền thống, tinh thần yêu nước của người Việt Nam là những giá trị vô cùng có ý nghĩa để giới thiệu cho công chúng Thủ đô và du khách đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.”
Đến với Triển lãm, bạn Nguyễn Hà My, sinh viên Trường Cao đẳng Y Hà Nội, chia sẻ cảm nhận: “Tôi ấn tượng với phần thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Đầu tiên là những bài về non sông đất nước, sau đó tôi cũng ấn tượng với phần thơ về việc học hành. Khi đọc các bài thơ đó dường như nó đã in sâu trong tâm trí tôi, rất dễ nhớ. Nhìn các bài thơ được khắc trên các kiến trúc rất cổ kính và khi hiểu được ý nghĩa của các bài thơ thì tôi cảm thấy rất quý trọng.”
Hiện nay, toàn bộ hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ. Những nội dung tư liệu này đã và đang được Trung tâm tổ chức dịch thuật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu có thể tra cứu bằng các bộ mục lục truyền thống và mạng thông tin phục vụ độc giả tra cứu.