(VOV5) - Thế giới loài vật luôn nhiều mê hoặc, đặc biệt là với các em thiếu nhi. Ở đấy trí tưởng tượng của các em được phiêu lưu cùng cỏ cây và muông thú.
Trong thế giới tưởng chừng chỉ có thể cảm nhận chứ không thể “đối thoại”, bằng thể loại truyện đồng thoại, các nhà văn kéo bạn đọc đến gần với các loài vật, hiểu và cảm thấu vạn vật nhiều hơn. Đấy là cách tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình và Vũ Đình Vân chọn để gửi các thông điệp yêu thương đến độc giả nhỏ tuổi, với truyện dài Rim chạy và Đen lưu lạc. NGoài ra, còn một không gian truyện thật đặc biệt, qua tác phẩm Trên đồi, mở mắt, và mơ của tác giả Văn Thành Lê.
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình |
Nguyễn Thị Thanh Bình là tác giả quen thuộc với bạn đọc NXB Kim Đồng, qua các tác phẩm như Ngày tựu trường đặc biệt, Đoàn xe bọ xít, Mưa đầu mùa, Từng đôi mắt sáng… Lần này chị gửi đến bạn đọc chú cún tên Rim vô cùng đặc biệt. Từ một chú cún ngờ nghệch được đón về nhà chủ mới, Rim bắt đầu hành trình học hỏi vô vàn điều mới lạ. Rim học từ người thân trong nhà. Rim học từ bạn bè lẫn các đối thủ trong khu vườn nhỏ. Và Rim học từ những điều lo sợ, niềm vui, nỗi buồn của chính Rim nữa.
Qua đôi mắt một chú cún đang từng ngày lớn, hăng say khám phá thế giới rộng mở, cuộc sống quen thuộc hiện ra thật sống động, ngộ nghĩnh và đầy ắp bất ngờ, Rim chạy gửi đến các bạn nhỏ thông điệp giản dị: Yêu thương, tin vào những điều tốt lành của cuộc sống là cách để chúng ta được yêu thương và nhận lấy những điều tốt lành.
Tác giả Vũ Đình Vân |
Câu chuyện của tác giả Vũ Đình Vân với Đen lưu lạc lại khác. Đây là cuộc phiêu lưu của chú mèo quả cảm tên Đen. Năm chú mèo con xinh xắn chào đời trong một căn nhà nhỏ. Nhưng, trong một đêm mưa to như trút nước, cả năm anh em bị chủ đem vứt ra ngoài bãi rác. Bao phen chạy trốn, bao lần nhường sự sống cho nhau, bao ngày trôi nổi từ nơi này sang nơi khác, luôn đối mặt với hiểm nguy, bị người lạ rình bắt, bị chó hoang tấn công, nhưng Đen và các anh em đều đã sống hết mình với bản năng mạnh mẽ của loài mèo.
Chú mèo tên Đen, nhân vật chính của Đen lưu lạc, với lòng dũng cảm, sự trung thành, tình yêu thương gia đình và bản năng sinh tồn mạnh mẽ, sẽ đem đến cho bạn đọc một câu chuyện hồi hộp, li kì, nhưng cũng cảm động đến rơi nước mắt.
"Trên đồi, mở mắt, và mơ" của Văn Thành Lê, kể lại câu chuyện từ phố về quê sống cùng ông bà nội trong một kì nghỉ, cậu bé Thành mang theo bên mình cuốn từ điển nhỏ. Mọi thắc mắc của Thành từ điển đều có thể giải đáp. Nhưng, chính cuộc sống mộc mạc của ông bà, nếp sinh hoạt chan hòa ấm áp làng quê, và đặc biệt những màn đối đáp lém lỉnh nghịch ngợm, các trò chơi “long trời lở đất” cùng hội bạn thân mới là những trang từ điển sống động, tuyệt vời và đáng nhớ nhất với cậu bé 10 tuổi.
Từng câu chuyện Thành kể như từng bước chân, đưa bạn đọc đến với cuộc sống làng quê Việt hôm nay. Thông qua góc nhìn thông minh đầy khám phá của cậu bé, ta bỗng nhận ra, đó là không gian bình yên mà bất kì ai, từ nhỏ đến lớn, đều mơ về. Đó cũng là nơi tuổi thơ chạm vào khoảnh khắc tươi đẹp khi sống giữa thiên nhiên, ở trong tình yêu thương của người thân và bạn bè.
Trong địa hạt sáng tác cho thiếu nhi, Văn Thành Lê từng có hai tác phẩm Ông mặt trời và mùi hương của mẹ và Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu. Với tác phẩm mới nhất Trên đồi, mở mắt, và mơ, Văn Thành Lê chia sẻ: “Viết cho thiếu nhi là cách để tôi được tắm nhiều lần trên dòng - sông - tuổi - thơ. Tuổi thơ tôi. Tuổi thơ trong trí tưởng. Tuổi thơ các em bây giờ. Phần đa đều gặp nhau ở sự hồn nhiên, tinh khôi đến tinh khiết và tinh nghịch đến tinh quái. Bởi vậy, khi cho câu chữ “bơi” về phía ấy, tôi thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, trường năng lượng mà có lẽ bất cứ ai cũng mơ màng muốn có.”