(VOV5) - Buổi tọa đàm “Thanh lịch như người Pháp – Hiếu khách như người Việt” nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của tác giả Eva Nguyen Binh, sẽ diễn ra vào 18h ngày 23/11 tại Hà Nội.
Thanh lịch như người Pháp, hiếu khách như người Việt là cuốn sách ghi lại những quan sát thú vị của tác giả Eva Nguyen Binh, đôi khi hơi có chút châm biếm nhưng hết sức trìu mến, về những khác biệt thường thấy nhất trong các cung cách chuẩn mực, nghệ thuật sống và thói quen văn hóa giữa người Pháp và người Việt Nam.Từ cách ngồi bên bàn ăn đến cách tặng quà, cho tới các thói quen ăn mặc, có thể có rất nhiều chi tiết khiến ta ngạc nhiên, thậm chí khó hiểu hoặc gây hiểu lầm.
Với bố là người Việt, mẹ là người Pháp, tác giả Eva Nguyen Binh từng có bốn năm làm việc tại Việt Nam với tư cách Tham tán Văn hóa và Hợp tác của Đại sứ quán Pháp kiêm Giám đốc Viện Pháp Việt Nam. Không khen bên này cũng chẳng chê bên kia, Thanh lịch như người Pháp, hiếu khách như người Việt tựa như một cuốn cẩm nang sống xinh xắn không chỉ dành cho người Việt khi đến Pháp nói riêng và ra nước ngoài nói chung, mà còn dành cho cả người nước ngoài lần đầu đặt chân tới Việt Nam, muốn nhập gia tùy tục và manh nha tìm hiểu nền văn hóa đa dạng, cởi mở nhưng cũng không kém phần khó hiểu này.
Eva Nguyen Binh là nhà ngoại giao. Bà từng công tác tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trong bốn năm từ 2013 đến 2017, với tư cách Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa kiêm Giám đốc Viện Pháp Việt Nam. Hiện bà là Đại sứ Pháp tại Campuchia.
Eva Nguyen Binh sinh ra và lớn lên tại Pháp. Bà từng theo học tại Viện Nghiên cứu Chính trị Strasbourg ở Pháp rồi sau đó là Đại học Georgestown ở Mỹ. Bà cũng từng làm việc nhiều năm cho công ty Michelin nổi tiếng.
Đọc Thanh lịch như người Pháp, hiếu khách như người Việt , bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận xét: “Đọc cuốn sách nhỏ gọn này thật thú vị vì tôi là người Việt đã từng sống, học tập và làm việc nhiều năm tại Pháp, cụ thể hơn là tại thủ đô Paris. Do vậy, tôi hoàn toàn hiểu được cách nhìn “lưỡng thể” và mong muốn làm cầu nối giúp cho mỗi bên có thể hiểu cách ứng xử, tập quán sinh hoạt của bên kia, hiểu chứ không nhất thiết đồng tình hay thích thú. Hoàn toàn có thể trao đổi, bình luận, thậm chí tranh luận về cách lý giải hành vi, hiện tượng nhưng hoàn toàn không thể phủ nhận những hiện tượng, hành vi hay và không hay được tác giả nêu. Chẳng hạn sự khác biệt giữa người Việt và người Pháp và phương Tây nói chung về ranh giới giữa không gian riêng tư và không gian công cộng: người Việt thường nói to, cười to nơi công cộng khiến người phương Tây ngạc nhiên, thậm chí khó chịu; còn chúng ta thì có thể nêu cảnh hai người yêu hôn nhau nơi công cộng tại Pháp và các nước phương Tây thường được người Việt nghĩ rằng có sự lẫn lộn giữa hai không gian công cộng và riêng tư. Chị Eva chọn cách trò chuyện để giới thiệu một cách giản dị, cụ thể, dễ hiểu “le savoir-vivre” (lối sống quy củ, phong cách sống sành điệu) của người Pháp, “les bonnes manières” (phép lịch sự) “kiểu Pháp”.”
Giáo sư Ngô Bảo Châu lại cho rằng: “Tác giả Eva Nguyen Binh từng có thời gian dài sống ở Việt Nam và đặc biệt gắn bó với đất nước này nên dù phân tích nhiều tình huống trong cuộc sống hằng ngày mà ở đó thói quen ứng xử của người Pháp và người Việt khác nhau, tác giả, với những quan sát tinh tế của mình, vẫn giữ được góc nhìn khách quan, không định kiến. Thanh lịch như người Pháp, hiếu khách như người Việt thực sự là một quyển sách hữu ích với người trẻ, có khát khao tìm hiểu thế giới, và cả những người không còn trẻ nữa ”