(VOV5) - Những câu chuyện kể về những tấm gương anh hùng liệt sĩ nhỏ tuổi được NXB Kim Đồng bền bỉ giới thiệu đến bạn đọc.
Đó là những câu chuyện có thực về những con người có thực đã khắc ghi tên mình trên một chặng đường lịch sử của dân tộc. Những câu chuyện giúp bạn đọc trẻ hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp vinh quang mà các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nước khi tuổi đời còn rất trẻ.
Bộ ba tiểu thuyết lừng danh“Đội Thiếu Niên Tình Báo Bát Sắt”, “Đội Thiếu Niên Du Kích Thành Huế”, “Đội Thiếu Niên Du Kích Đình Bảng”; những truyện kể các gương anh hùng liệt sĩ tuổi thiếu niên “Phạm Ngọc Đa”, “Kim Đồng”, “Vừ A Dính”, “Dương Văn Nội”, “Kơ-pa Klơng”… Đặc biệt, về tấm gương anh hùng của chị Võ Thị Sáu và anh Lý Tự Trọng với lứa tuổi thanh thiếu niên có “Chuyện kể về Lý Tự Trọng” (Lê Quốc Sự), “Chị Sáu ở Côn Đảo” (Lê Quang Vịnh).
Đề tài giáo dục truyền thống được trau chuốt mềm mại, phù hợp với bạn đọc nhiều lứa tuổi nhờ việc chọn lựa loại hình nghệ thuật thể hiện - với lứa tuổi thanh thiếu niên là truyện dài trữ lượng thông tin lớn, với lứa tuổi nhi đồng là truyện tranh, truyện có minh họa thông tin cô đọng súc tích.
Với lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, để thêm phần sống động hấp dẫn với bạn đọc nhỏ tuổi, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức đội ngũ họa sĩ làm việc cùng các nhà văn, sáng tác sách tranh truyện cho các em. Sự kết hợp nhuần nhị giữa lời và tranh giúp các em dễ cảm nhận, dễ tiếp thu nội dung chủ đề của cuốn sách.
Gần đây nhất, với mong muốn khơi gợi niềm thích thú và sự tò mò của độc giả nhỏ tuổi đến với sách giáo dục truyền thống, câu chuyện về tấm gương anh hùng của chị Võ Thị Sáu và anh Lý Tự Trọng được tái hiện với phần lời kể được lồng ghép cùng những bức tranh tả thực hoành tráng.
Cuốn “Võ Thị Sáu” khắc họa sống động, chân thực hình ảnh nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu cùng các đồng chí của chị trong nhà tù thực dân - nhỏ bé mà bất khuất can trường. Phần kể ngắn gọn súc tích mà đầy đủ, độc giả như được chứng kiến những năm tháng cuối cùng của chị Sáu từ lúc bị bắt ra Côn Đảo đến giây phút cuối cùng khi chị hiên ngang đối diện những họng súng đen ngòm mà quân thù chĩa về phía chị.
Họa sĩ Bùi Việt Thanh đã sử dụng triệt để thủ pháp điện ảnh để tạo nhịp điệu sống động và góc nhìn hiện đại khi miêu tả câu chuyện. Tranh không minh họa mà góp vào câu chuyện nội dung hình ảnh để người đọc hình dung được rõ nét, các cảnh toàn, cảnh trung đến đặc tả được sử dụng nhịp nhàng uyển chuyển, góc nhìn từ trên xuống nhấn mạnh vào sự ngột ngạt khắc nghiệt của nhà từ Côn Đảo, góc nhìn từ dưới lên cho thấy tầm vóc tinh thần bất khuất của chị Sáu và những người đồng chí.
Nếu cuốn sách “Võ Thị Sáu” giống như thước phim tư liệu về thời gian chị Sáu ở Côn Đảo, bất khuất đến phút cuối cùng, thì cuốn sách “Lý Tự Trọng” giống như những thước phim điện ảnh với nhịp điệu nhanh gấp, đầy hồi hộp khi kể lại cuộc đời hoạt động của Người Đoàn viên danh dự số 1 – Lý Tự Trọng.
Tài trí và dũng cảm, những hoạt động của anh Lý Tự Trọng đã góp phần dấy lên phong trào cách mạng. Khi đồng chí gặp nguy hiểm, anh Lý Tự Trọng đã dũng cảm xông lên giải cứu, anh bị thực dân Pháp bắt khi mới 17 tuổi. Nhà tù thực dân khắc nghiệt với những trận đòn tra tấn dã man cùng âm mưu mua chuộc không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản Lý Tự Trọng.
Tượng đài bất khuất của anh Lý Tự Trọng và chị Võ Thị Sáu đã trọn vẹn trong hình dung của người đọc. Tiếng hát của chị Sáu cất lên giữa Côn Đảo, hình ảnh anh Lý Tự Trọng nâng niu cuốn Truyện Kiều …
Hai cuốn sách tranh màu “Võ Thị Sáu” và “Lý Tự Trọng”, một lần nữa cho thấy sức sống của đề tài giáo dục truyền thống đến thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và sự bền bỉ Tủ sách giáo dục truyền thống của Nhà xuất bản kim Đồng nói riêng, để vang mãi tên những người anh hùng trong lòng bạn đọc các thế hệ.