(VOV5) - Ứng xử của Việt Nam trong các mối quan hệ đối ngoại cũng rất linh hoạt, cơ động ở từng thời điểm, từng đối tác, từng cơ chế hợp tác để từ đó, có được vaccine sớm nhất có thể.
Trong 2 tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Theo đó, đóng góp vào thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến này không thể không nhắc đến chiến lược vaccine đúng đắn với 3 trụ cột chính, là: Thành lập Quỹ vaccine; Triển khai ngoại giao vaccine; và tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Trong đó, chiến dịch Ngoại giao vaccine được triển khai thành công trong bối cảnh đặc thù và khó khăn là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về công tác ngoại giao vaccine - Ảnh: Tuấn Anh |
Ngày 27/04/2021 đánh dấu khởi đầu làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam, với biến chủng Delta rất nguy hiểm, đe dọa đảo ngược các thành quả trong công tác phòng chống dịch giai đoạn trước đó. Trong bối cảnh này, vaccine được coi là chìa khóa để khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Tuy nhiên, để có được vaccine vào thời điểm đó rất khó khăn, khi nguồn cung vaccine toàn cầu khan hiếm. Trong tình thế chưa từng có tiền lệ, ngoại giao vaccine được xác định là giải pháp then chốt để huy động sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, với phương châm: “Vaccine sớm nhất là vaccine tốt nhất”.
Theo Báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao vaccine, tính đến tháng 09 năm ngoái, Việt Nam đã nhận được gần 120 triệu liều vaccine viện trợ, chiếm gần 50% số vaccine tiếp nhận được. Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD…
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm để Việt Nam thành công trong chiến dịch ngoại giao vaccine, đó là: Việt Nam luôn đề cao sự chân thành, tin cậy, đoàn kết quốc tế, chia sẻ khó khăn, tương trợ lẫn nhau trong tất cả các mối quan hệ đối ngoại. Do đó, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam, dù nguồn lực còn hạn chế, nhưng đã cố gắng trợ giúp y tế cho nhiều quốc gia trong khả năng của mình. Do đó, khi Việt Nam gặp khó khăn, bạn bè quốc tế đã hỗ trợ vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế. Cùng với đó, sách lược, ứng xử của Việt Nam trong các mối quan hệ đối ngoại cũng rất linh hoạt, cơ động ở từng thời điểm, từng đối tác, từng cơ chế hợp tác để từ đó, có được vaccine sớm nhất có thể để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: "Chúng ta đã phát huy hiệu quả quan hệ đối ngoại tốt đẹp và rộng mở, cũng như thế và lực mới của đất nước trong công tác ngoại giao vaccine. Ngành ngoại giao đã chủ động vận động, đưa nội dung vaccine vào các hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát huy tối đa hiệu quả của mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vaccine".
Ngoại giao vaccine đã tạo đà để Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, biến Việt Nam trở thành quốc gia “đi sau, về trước” trong tiêm phòng COVID-19, từ đó kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế. Đối với Việt Nam, ngoại giao vaccine không chỉ để lại bài học quý về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại và ngoại giao trong đại dịch, mà còn là kinh nghiệm có thể áp dụng trong ngoại giao kinh tế, tận dụng và phát huy hiệu quả mọi cơ hội, tiềm lực để phục hồi nhanh và phát triển bền vững hậu COVID-19.