(VOV5) - Chiến dịch tiêm phòng được triển khai tiêm trên quy mô toàn quốc với gần 19.000 điểm tiêm chủng cố định và lưu động.
Từ tháng 7 đến cuối năm nay sẽ có ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine COVID-19. Đây là thông tin được Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đưa ra tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022 diễn ra sáng 2/7 tại Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Bộ Y tế |
Theo đó, việc tiêm chủng được thực hiện từ tháng 7 năm nay đến tháng 4 năm 2022, trong đó, tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc xin trong năm 2021 và đến hết quý 1 năm 2022 có trên 70% dân số được tiêm. Chiến dịch tiêm phòng được triển khai tiêm trên quy mô toàn quốc với gần 19.000 điểm tiêm chủng cố định và lưu động. Trong đó, ưu tiên các tỉnh thành phố đang có dịch, có nhiều khu công nghiệp.
Nhấn mạnh đây là chiến dịch tiêm phòng lớn nhất từ trước đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các địa phương từ khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối vaccine, đặc biệt là đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức tối đa.
Hình ảnh điểm cầu trực tuyến một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Ảnh: Bộ Y tế |
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, trong tháng 7 này, Việt Nam sẽ tiếp nhận 8 đến 10 triệu liều vaccine và đàm phán để có đủ 150 triệu liều vaccine như đã cam kết với Chính phủ: "Cho đến thời điểm hiện nay chúng ta đã nhận được sự cam kết và ký các hợp đồng nhận 105 triệu liều vaccine. Hiện nay, chúng ta đang đàm phán, để tăng thêm 45 triệu liều vaccine nữa. Như vậy, chúng ta sẽ có khoảng 150 triệu liều. Và thời gian vaccine về Việt Nam không phải là tất cả các tháng mà tập trung cao điểm trong quý 4 năm nay bắt đầu từ tháng 9, tháng 10, 11, 12 là cao điểm".