(VOV5) - Tới nay dịch đã xuất hiện tại 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 05/07, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng trên 11,3 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 533.000 người tử vong. Xếp theo khu vực, châu Mỹ là châu lục có nhiều ca mắc bệnh nhất, tiếp đến lần lượt là châu Âu, khu vực Trung Đông, khu vực Đông Nam Á đứng ở vị trí thứ tư, tiếp đến là châu Phi ca mắc và cuối cùng là khu vực Tây Thái Bình Dương.
Ảnh: Công nhân phun thuốc khử trùng tại Tijuana, Mexico. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trên thế giới là Mỹ với 2,93 triệu ca mắc bệnh và hơn 132.000 ca tử vong. Theo thống kê riêng rẽ của đại học Johns Hopkins, trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm hơn 43.000 ca mắc bệnh trong bối cảnh số ca mắc mới trên toàn quốc vẫn tiếp tục gia tăng.
Bộ Y tế Mexico thông báo số người tử vong vì COVID-19 ở nước này tính tới ngày 04/07 đã tăng lên hơn 30,3 nghìn người. Như vậy, Mexico đã thay thế Pháp là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ năm thế giới, sau Mỹ, Brazil, Anh và Italy.
Trong khi đó, các quốc gia châu Phi và Trung Đông vẫn ghi nhận số ca mắc mới gia tăng, đặc biệt tại các quốc gia như Iran, Arba Saudi, Ai Cập…
Còn tại khu vực châu Á, Nhật Bản xác nhận thêm 274 ca nhiễm mới trong ngày 04/07. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi quốc gia này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hôm 25/05.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, ngày 04/07, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Michael Ryan nêu rõ người dân cần tỉnh táo, nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm và diễn biến thực tế của dịch bệnh. Các số liệu không thể nói dối và tình hình thực tế dịch bệnh là hết sức rõ ràng. Ông nhấn mạnh điều đáng quan ngại là hiện có quá nhiều nước phớt lờ các dữ liệu thực tế.
Theo ông Ryan, dịch bệnh COVID-19 không thể biến mất một cách thần kỳ và nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là việc phòng dịch, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát với số bệnh nhân tăng mạnh là điều tất yếu. Khi hệ thống y tế bị quá tải và sụp đổ, sẽ có thêm nhiều người tử vong.