(VOV5) - Ông Mike Ryan cho rằng, việc điều tra rõ ràng nguồn gốc động vật của virus Sars-CoV-2 có ý nghĩa vô cùng cấp thiết.
Tổ chức Y tế thế giới ngày 22/04 đưa ra khuyến cáo các nước trên thế giới không nên vội mất cảnh giác vì cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn rất gian nan và thế giới sẽ phải sống chung lâu dài với virus Sars-CoV2. Lời cảnh báo trên được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, Tedros Adhanom Ghebreysus đưa ra trong cuộc họp báo thường nhật của WHO tại Geneva – Thuỵ Sỹ chiều ngày 22/04.
Theo người đứng đầu tổ chức Y tế thế giới, hiện tại dù diễn biến dịch Covid-19 tại các nước Tây Âu đang có xu hướng ổn định trong nhiều ngày qua nhưng tại nhiều khu vực khác trên thế giới, tốc độ lây lan của dịch là rất đáng lo ngại. Cũng trong buổi họp báo, Tổng Giám đốc WHO nhắc lại các vướng mắc gần đây trong quan hệ với chính quyền Mỹ và cho biết, ông hy vọng nước Mỹ sẽ sớm nối lại sự ủng hộ tài chính cho WHO vì điều đó cũng có lợi cho sự an toàn của chính nước Mỹ.
Ảnh minh họa: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka, ngày 22/4/2020.- NguồnTHX/TTXVN |
Đối với các nhiệm vụ quan trọng trước mắt của WHO, Giám đốc điều hành và là người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cho rằng, việc điều tra rõ ràng nguồn gốc động vật của virus Sars-CoV-2 có ý nghĩa vô cùng cấp thiết, vì cần phải tìm hiểu làm thế nào virus này vượt qua được rào cản về loài để lây nhiễm cho con người.
Trong một diễn biến liên quan, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 23/4, theo giờ Việt Nam, trên thế giới đã có 2.631.025 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, trong khi số ca tử vong đã lên tới gần 184.00 trường hợp. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 716.811 người và vẫn còn 56.678 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch. Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với hơn 845.000 ca nhiễm và 48.000 ca tử vong. Tiếp đó là Tây Ban Nha, Italy, Pháp.