(VOV5) - Cầu Ngói, chùa Lương, đình Phong Lạc, nằm trên địa phận xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, có kiến trúc cổ độc đáo, mang đậm dấu ấn của những nghệ nhân tài hoa nơi đây. Cụm di tích này được xây dựng gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển 500 năm trước của những người đã khai khẩn mảnh đất Quần Anh xưa, nay là huyện Hải Hậu. Trải qua hàng trăm năm, cụm di tích cầu Ngói, chùa Lương, đình Phong Lạc vẫn còn khá nguyên vẹn.
|
Cầu Ngói ở huyện Hải Hậu, Nam Định (Ảnh sưu tầm) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nằm trên con đường dẫn vào chùa, cầu Ngói cách chùa Lương, đình Phong Lạc khoảng 100m, trở thành một cụm di tích nổi tiếng của vùng đất này. Cả ba công trình đều có cùng niên đại xây dựng nên người dân quen gọi là cầu Ngói, chùa Lương, đình phong Lạc. Bà Nguyễn Thị Nhâm, người dân xã Hải Anh, cho biết. "Chùa Lương, đình Phong Lạc, cầu Ngói là cụm di tích lịch sử của xã Hải Anh. Tất cả những di tích này ở đây đều còn nguyên vẹn. Cây cầu Ngói này cong cong rất là đẹp. Ngày hội rằm tháng 3, là ngày hội truyền thống của làng".
Cầu Ngói được bắc qua con sông Trung Giang, một con sông nhỏ chạy dọc theo xã Hải Anh và được xây dựng theo lối “thượng gia hạ trì”, (trên là nhà dưới là song). Cầu có 9 gian được dựng trên 18 cột đá vuông. Phía trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ dầm cầu và nâng sàn cầu. Mái cầu lợp ngói vảy rồng, có hình dáng cong cong tựa như mình rồng đang uốn khúc. Cầu ngói không chỉ là công trình giao thông mà còn là công trình văn hóa, niềm tự hào của người dân xã Hải Anh. Bà Trần Thị Dịu. người dân ở Hải Anh chia sẻ: "Trước dãy nhà phải trên này có từ ngày xưa nhưng nhỏ hơn. Ngày xưa không có nhiều ô tô, toàn đi bộ qua đây. Trước đường thấp hơn đây nhiều, phải qua ba bậc đá mới lên được cầu. Bây giờ tôn đường cao, giờ đường lại cao hơn cầu. Cây cầu Ngói này có mấy trăm năm rồi. Gia phả của các cụ trong làng để lại nói rằng: Hỏng cầu ta lại sửa cầu/ ba mươi lượng bạc để đầu bên kia, nếu cầu hỏng thì có 30 lượng bạc đó dùng để sửa cầu".
|
Cầu Ngói trong ngày hội (Ảnh sưu tầm) |
Phần mộc của cầu Ngói chạm khắc không cầu kỳ nhưng thể hiện rất rõ kiến trúc thuần Việt. Đặc biệt là qua sự bố trí các hàng chân cột, các kết cấu vì kèo và cách ghép mộng gỗ… Phần nề cũng khá đặc biệt nhất là phần cổng ở hai đầu cầu. Cổng được xây dựng theo lối cửa vòm một lối, hai bên có hai hàng cột. Ngày nay, bên cạnh cây cầu Ngói có nhiều cây cầu đá được xây dựng nhưng người dân ở đây, nhất là các bạn trẻ lại luôn chọn cầu Ngói là điểm hẹn.Nguyễn Thanh Phương, học sinh cấp 3 của xã Hải Minh, xã giáp với Hải Anh, cho biết: "Ở đây mát và đây là di tích nên thích ra đây. Thường thường em đi học về sớm thì thường ra đây ngồi. Thường thường chúng em cũng hẹn nhau ở đây vì ai cũng biết địa điểm này vì nó nổi tiếng, cây cầu cổ và đẹp".
Trước khi vào thăm đình Phong Lạc, chùa Lương, là khu chợ quê, nơi tụ họp đông đúc của người dân xã Hải Anh. Đình Phong Lạc được làm từ khi thủy tổ mở đất dựng làng và nơi để hội họp, bàn các việc của làng xã. Khi tiền nhân đến đây dựng làng thì thấy mảnh đất có hình “Long ngọa” tức là hình con rồng nằm. Phía trước đình có cái giếng gọi là mắt rồng. Cụ ông Đặng Văn Phú, 86 tuổi người trông nom cụm di tích này kể rằng mấy trăm năm trước, thủy tổ một số họ như Vũ, Hoàng, Phạm, Trần chọn nơi đây định cư. Sau con cháu tưởng nhớ các bậc thủy tổ đó và tôn làm thành hoàng, thờ cúng trong đình Phong Lạc.
|
Chùa Lương ở Hải Hậu, Nam Định (Ảnh sưu tầm) |
Bên cạnh là chùa Lương hay còn gọi là chùa Trăm gian, được xây dựng vào cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16. Chùa Lương lúc đầu có quy mô nhỏ, trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, đặc biệt là những lần trùng tu lớn vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hiện chùa có quy mô khá lớn, gồm 100 gian, mang phong cách kiến trúc của nhiều thời đại, nhưng rõ nét vẫn là phong cách của thế kỷ 17 và 18. Chùa hiện còn lưu giữ một khối lượng lớn văn bia ghi công đức xây dựng chùa và quá trình khai hoang lấn biển, phản ánh đời sống nhiều mặt của người dân nơi đây. Cụ ông Đặng Văn Phú cho biết cùng với chùa Lương, cầu Ngói, đình Phong Lạc đã tạo thành một quần thể di tích, tâm linh đã đi vào ca dao tục ngữ. "Bắt đầu trước là trên bến dưới thuyền. Ở đây có câu ca: Quần Anh nổi tiếng từ xưa/Biển đình Phong Lạc bia chùa Phúc Lâm/ Khách về khách vẫn hỏi thăm/Nước chè cầu ngói, tơ tằm chợ Lương…" - cụ Phú nói.
Tồn tại và kết tinh giá trị văn hóa dân tộc hàng trăm năm, cầu Ngói, chùa Lương, đình Phong Lạc là những di sản tinh hoa của vùng đất Nam Định văn hiến. Biết bao thế hệ người dân ở đây đã nâng niu, gìn giữ bảo tồn những công trình văn hóa đặc sắc này để cho hậu thế những giá trị kiến trúc, mỹ thuật đậm bản sắc Việt Nam.