(VOV5) - Hành Thiện là làng cổ có niên đại hơn 600 năm. Hành Thiện không chỉ là làng khoa bảng nổi tiếng của xứ Nam xưa mà còn là làng lưu giữ nhiều giá trị của kiến trúc truyền thống, mang tính mẫu mực, thể hiện trí tuệ và tầm nhìn của những người lập làng hàng trăm năm trước.
|
Lễ hội chùa keo làng Hành Thiện, Nam Định năm 2016
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chỉ mất không đầy một giờ đồng hồ để du khách di chuyển từ thành phố Nam Định về làng cổ Hành Thiện. Địa thế làng giống như một con cá chép quay đầu ra biển cả, được hai con sông Hồng, sông Ninh Cơ bao quanh, vừa tạo cảnh quan, vừa để thông dòng nước phục vụ sinh hoạt và di chuyển bằng đường thủy trong làng. Nếu coi làng Hành Thiện như một chú cá chép thì vùng đất từ giữa bụng cá trở lên đến mang cá được quy hoạch làm nơi sinh sống của dân cư trong làng. Làng Hành Thiện được chia thành 14 xóm, tương đương với 14 khúc trên mình con cá chép, mỗi xóm cách nhau đúng 60 mét.
Khu vực đầu cá, nay thuộc cuối làng có miếu làng, còn giếng làng được coi là mắt cá. Khu bụng cá có đình làng, miếu thờ thần dựng làng. Cạnh đó là khu chợ, nơi tụ họp đông đúc, thể hiện nét văn hóa phồn thực của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Lễ hội Chùa Keo làng Hành Thiện
Khu đuôi cá, tức đầu làng có hai ngôi chùa, trong đó có ngôi chùa Keo Hành Thiện, là một trong hai ngôi chùa song sinh với chùa Keo Thái Bình. Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, Trưởng bộ môn quy hoạch Khoa Kiến trúc Đại học Xây dựng, cho biết làng Hành Thiện có thiết kế rõ ràng hoàn chỉnh từ ban đầu kể cả về hình thế cho đến các vấn đề về giao thông, môi trường. Bản đồ của làng được lập rất công phu, thể hiện trình độ học vấn và sự uyên thâm của các bậc tiền nhân: “Chúng ta biết rằng một ngôi làng thường có lịch sử, quá trình 30 đến 50 năm mới hình thành hình hài, chính vì thế đa phần ngôi làng vùng đồng bằng sông Hồng, cứ phân nhánh xương cá thành nhiều ngõ ngách. Chính vì phát triển qua nhiều giai đoạn thì hình thành nên ngõ ngách như vậy. Nhưng với làng Hành Thiện thì dường như tất cả được sắp đặt, ấn định rõ nét ngay từ ban đầu”.
Các chuyên gia kiến trúc cho biết thời sơ khai tất cả những ngôi nhà của làng Hành Thiện đều quay về hướng Đông Nam, chứng tỏ người xưa rất coi trọng môi trường sống của mình. Bao quanh làng là con kênh nhân tạo và có đường đi phía trên, cho thấy hệ thống giao thông được quy hoạch một cách khoa học. Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hùng Cường cho biết: “Con sông được đào xung quanh, nó thay thế rất nhiều ao bên trong bởi vì tất cả nước trong kênh có dòng chảy ra vào tự nhiên, nước được thoát theo trục xương cá hoặc để rồi thoát ra hai phía bờ sông đào. Đó là cách thoát nước rất là tốt, thậm chí cho đến bây giờ không có vấn đề gì”.
Đi bộ trên con đường dọc theo bờ sông của làng Hành Thiện sẽ có cảm giác bình yên và thanh thản. Ngắm những ngôi nhà, những con đường ở đây sẽ thấy tầm nhìn xa của người lập làng xưa kia. Giá trị kiến trúc với giá trị không gian, cảnh quan và quy hoạch làng xã của Hành Thiện thực sự là một hệ thống di sản quý giá. Lê Thị Luyến, sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách khoa, tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đến làng Hành Thiện. Ấn tượng đầu tiên của tôi là một làng khá thân thiện, cổ kính và mang đậm nét không gian Việt Nam xưa. Tôi có cảm giác thanh thản khi về ngôi làng này”.
Làng Hành Thiện là một ví dụ tiêu biểu về sự tài giỏi của người xưa trong việc xây dựng làng xã, trên tất cả các phương diện, từ tính triết lý, ý tưởng và giải pháp xây dựng đến mô thức kiến trúc. Ngày nay về cơ bản làng vẫn giữ nguyên hình dạng như thủa sơ khai. Nhìn những dãy nhà thẳng tắp, đường đi phong quang, sạch sẽ, hai bên bờ sông là hàng liễu xanh mát mắt uốn lượn bao bọc lấy làng mới thấy hết được sự tài khéo của người xưa.