(VOV5)- Đèo Pha Đin, hay là dốc Pha Đin, có độ dài 32 km, thuộc quốc lộ số 6, là cửa ngõ vào tỉnh Điện Biên. Điểm cao nhất của đèo là 1.648 mét so với mực nước biển, với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Cái nơi tiếp giáp giữa đất và trời, theo ngôn ngữ của người Thái, ấy cũng là nơi bắt đầu của hành trình kéo pháo cao xạ bằng sức người của bộ đội Việt Nam trong chiến dịch dẫn đến thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
|
Ảnh:mytour.vn |
Đèo Pha Đin bây giờ không còn hiểm trở như nhiều năm về trước, dẫu vẫn còn nguyên vẹn 8 cung đường lúc lên, lúc xuống ngoằn ngoèo và vô số khúc cua tay áo, cua chữ Z, chữ A . Đèo đã được hạ độ cao, những nơi cao không còn cao như trước, những nơi đường hẹp không còn hẹp như xưa. Lại thêm mây trắng lưng đèo, hoa ban khoe sắc, bản làng người Thái lác đác xa xa, cộng với truyền thuyết về cuộc đua ngựa phân chia ranh giới giữa Lai Châu và Sơn La ngày nào, khiến địa danh này trở nên bí ẩn, hùng vĩ và thơ mộng vô cùng.
Ấy là bây giờ. Còn chuyện 60 năm về trước, Pha Đin nằm trong tuyến huyết mạch tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ của bộ đội Việt Nam. Vì thế mà Pha Đin ghi dấu chân của 8.000 thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến với hàng trăm lượt gánh gồng, tải đạn, chở gạo qua đây mỗi ngày. Nó cũng là tuyến đường hành quân của các lực lượng bộ binh, pháo binh…đến Trần Đình, là tên gọi bí mật của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
|
Kéo pháo, tất cả cho Điện Biên Phủ - Ảnh: tư liệu |
Chặng đường qua đèo Pha Đin còn nguyên vẹn trong ký ức của nhạc sỹ Hoàng Vân, người đã sáng tác bài Hò kéo pháo, lấy cảm hứng từ những ngày kéo pháo vào trận địa Điện Biên: Trước khi vào cánh đồng Mường Thanh thì chúng tôi phải đi qua con đèo rất dài mà trên đó có các lực lượng một là xe ô tô, dân công gánh gồng và đẩy xe đạp chở các thứ tiếp tế cho chiến dịch. Mà tiếp tế liên tục, từ cuối năm 1953. Cái đèo dài mấy chục cây số, vòng vèo, lên xuống, uốn lượn mà máy bay Pháp đêm ngày rình mò, bắn phá làm nhiều xe ô tô, xe tải, xe chở gạo cháy sau những trận bom. Cứ phải lừa nhau từng miếng một để đi qua được cái đèo ấy. Ấn tượng ấy làm cho tôi rất nhớ. Rồi sau này nó lại tiếp tục khi tôi tham gia và chứng kiến cảnh kéo pháo qua đèo, để đến khi hình thành bài hát Hò kéo pháo.
Đèo Pha Đin chính là điểm khởi đầu gian nan nhất của hành trình kéo pháo bằng sức người của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa, bắt đầu từ đèo Pha Đin, qua nhiều đèo, nhiều dốc, nhiều vực sâu, núi cao đến điểm cuối là nơi những viên đạn pháo rời nòng súng, hướng tới cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, Hầm De Castries…. Bây giờ, khó có thể trải nghiệm gian nan khi đi ô tô qua đèo Pha Đin, càng khó có thể có những trải nghiệm về con đường kéo pháo bằng sức người như những người lính Điện Biên năm xưa. Nhạc sỹ Hoàng Vân kể lại: Khi kéo pháo, trên đó phải có mấy chục người ở hai đầu. Một đầu có người kéo ở trên, một đầu có người đẩy ở dưới. Có một cái tời nối với cái trục như trục kim đồng hồ. Cứ hò dô ta thì lại đặt cái khấc trên trục ấy và pháo lại nhích được lên. Nhưng không phải lúc nào cũng êm đềm như vậy. Có khi, pháo địch bắn cầm canh làm đứt dây tời, pháo có thể lăn xuống vực nếu như không cứu kịp thời. Chính anh hùng Tô Vĩnh Diện đã hy sinh trong trường hợp phải cứu pháo khi pháo địch bắn đứt tời như vậy.
|
Các chiến sĩ Điện Biên năm xưa lấy thân mình kéo pháo - Ảnh: tư liệu |
Từ đèo Pha Đin đến thành phố Điện Biên Phủ bây giờ, cứ theo quốc lộ 6 mà đi thì khoảng vài chục km. Nhưng con đường kéo pháo năm xưa không thể tính chiều dài bằng cây số. Nó có điểm khởi đầu, điểm kết thúc, song chặng giữa thì chỉ có thể đo đếm được bằng những gian nan của người lính pháo cao xạ.
Đường kéo pháo vào Điện Biên không chỉ có một mà có nhiều chặng, nhiều hướng đi, nhiều đích đến. Có lúc, đó là đường dùng cho cả chiến dịch. Nhưng có khi, nó chỉ tồn tại để pháo được kéo qua trong vài giờ đồng hồ, rồi sau đó lại ẩn mình trong rừng sâu, núi thẳm như chưa từng có bao giờ. Trong hệ thống đường kéo pháo bằng sức người chưa từng có trên thế giới ấy, có một quãng đường đặc biệt được làm chỉ trong vòng 20 giờ, với chiều dài 15km, chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha sông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, Bản Nghễu. Trên đoạn đường ấy, bộ đội Việt Nam đã kéo những khẩu pháo nặng 2.4 tấn hoàn toàn bằng sức người, vượt qua dốc núi cheo leo, đèo cao hiểm trở, vực sâu và máy bay địch gầm rít trên đầu. Gian nan không kể xiết, để rồi 40 khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm vẫn kịp đồng loạt bắn cấp tập vào cứ điểm Him Lam, mở màn trận Điện Biên Phủ lúc 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954. Ông Phạm Đức Cư, cựu chiến binh pháo cao xạ năm xưa, kể cho chúng tôi nghe về chặng cuối của hành trình kéo pháo: Chúng tôi hành quân rất vất vả. Khi đến Điện biên, cách tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 15-18 km thì phải kéo pháo bằng sức người nên rất gian nan. Đó là đoạn đường cực nhất của đời lính pháo cao xạ. Thế nên, tôi mới nói là những người lính pháo cao xạ “mình đồng, chân sắt” không bao giờ có thể quên được những chặng đường ở dốc Bảy Tời, đèo Ụ Mậu, dốc Suối Ngựa, dốc Voi Phục… nơi mà chúng tôi kéo những khẩu pháo nặng 2.4 tấn qua đây.
|
Đèo Pha Đin - Ảnh: yatlat.com
|
Đường kéo pháo vào Điện Biên, giờ còn điểm đầu là đèo Pha Đin sững sững giữa mây ngàn. Điểm cuối cùng của di tích đường kéo pháo được tôn tạo là nơi anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh khi lấy thân mình chèn pháo. Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20 km về hướng bắc, nơi đây dựng một cụm tượng đài dài 24 mét, rộng 8 mét, cao 12,5 mét, nặng 1200 tấn, vinh danh trung đội pháo binh của anh hùng Tô Vĩnh Diện trên triền đồi Bó Hôm năm nào. Chỉ đơn giản như vậy. Đủ để lớp lớp cháu con người Việt hình dung về con đường dẫn lối vào trang sử hào hùng của những người lính Điện Biên Phủ năm xưa./.