(VOV5) - Mỗi độ xuân về, các xã đảo Hà Nam lại rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc bát âm cùng cờ ngũ sắc để mừng thọ các bậc cao niên.
Lễ hội Tiên Công được tổ chức tại vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, từ mùng 5 tới mùng 7 Tết Nguyên đán hằng năm. Lễ hội nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân vùng cửa biển Bạch Đằng.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Lễ hội Tiên Công, Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, được người dân vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, gìn giữ nhằm tưởng nhớ 17 vị Tiên công, những người đầu tiên quai đê, lấn biển lập làng ở vùng này. Ông Phạm Văn Mịch, người đã có 30 năm trông coi Miếu Tiên Công, cho biết: Lễ hội Tiên Công bắt đầu được tổ chức từ thế kỷ XVII, gắn với lịch sử hình thành vùng đảo Hà Nam và mang đậm bản sắc văn hóa cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng.
"Năm 1434, khi Lê Lợi đánh thắng 80 vạn quân Minh, lên ngôi vua, đã có chủ trương di dân ra các vùng hẻo lánh để khai hoang. Vì vậy, 17 vị Tiên Công từ vùng đất Thăng Long xuôi theo dòng sông Chanh để cắm sào tìm đất và khi dừng chân tại đây nghe thấy tiếng ếch kêu. Có ếch là có nước ngọt và từ đó các cụ khai hoang, lập làng ở đây. "
Không gian tổ chức lễ hội Tiên Công diễn ra ở 7 xã của đảo Hà Nam với trung tâm là Di tích miếu Tiên Công (xã Cẩm La) cùng các từ đường dòng họ đã được xếp hạng Di tích Quốc gia. Ngay từ mùng 2 tháng Chạp, các dòng họ có cụ thượng thọ được rước lên miếu Tiên Công đã đến miếu Tiên Công trang trí, chuẩn bị lễ vật và các nghi thức cho lễ hội.
Không gian tổ chức lễ hội Tiên Công diễn ra ở 7 xã của đảo Hà Nam với trung tâm là Di tích miếu Tiên Công (xã Cẩm La)
|
Nét độc đáo, hấp dẫn và được mọi người dân háo hức chờ đợi nhất trong lễ hội là hoạt động rước các cụ thượng thọ tròn 80, 90 và 100 tuổi lên miếu Tiên Công. Tùy vào điều kiện gia đình, việc thượng thọ có thể tổ chức to hay nhỏ nhưng đều tuân thủ các quy định về trang phục và lễ vật dâng ở Miếu. Ông Nguyễn Quang Dự (85 tuổi), Trưởng Ban tổ chức Lễ hội làng Yên Đông, cho biết: Riêng làng Yên Đông, việc rước các cụ thượng thọ được tổ chức tập thể với đoàn rước kéo dài cả cây số: "Chúng tôi bàn với nhau tổ chức thượng thọ tập thể để giữ các giá trị truyền thống, vừa bình đẳng và không phân biệt giàu nghèo, ở xa hay ở gần. Đây là năm thứ 21 lễ hội được tổ chức và đã có 398 cụ được rước lên Miếu đường. Trong lễ vật của phần rước bắt buộc phải là số lẻ, có thủ lợn, bánh dày (hoặc mâm xôi), trầu cau, hoa quả, rượu..."
Năm nay, Lễ hội Tiên Công có 198 cụ tròn 80, 90 và 4 cụ 100 tuổi về dâng lễ vật lên các bậc tiên tổ. Các cụ thượng thọ được con cháu rước bằng võng, đoàn rước theo nhịp trống khẩu và âm nhạc của các phường bát âm; mỗi gia đình, dòng họ là 1 đám rước, nhập lại thành một đoàn lớn tạo nên không khí tưng bừng náo nhiệt nhưng rất trang trọng, nền nếp… Bà Vũ Thị Thùy (80 tuổi), xúc động: "Tôi cảm thấy vui sướng, con cái đã tổ chức cho tôi. Tôi thấy khỏe ra và phấn khởi, vui lắm. Nếu các cụ Tiên Công cho sức khỏe, tôi cũng muốn được rước 1, 2 lần nữa."
Hình tượng con Long Mã – biểu trưng sức mạnh thần biển trong Lễ hội Tiên Công. |
Lễ hội Tiên Công là ngày hội của các dòng họ vùng đảo Hà Nam. Ông Ngô Đình Dũng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa thông tin thị xã Quảng Yên, đánh giá: "Các gia đình dòng họ đã làm cho lễ hội sống mãi với thời gian. Dù cho có đi đâu về đâu, ở trong hay ngoài nước thì con cháu đều nhớ về ngày mùng 2 tháng chạp; ngày mùng 4 ra cỗ họ và ngày hội Tiên Công để tri ân Tiên tổ. Tại sao Lễ hội được bảo tồn và duy trì được đến ngày nay thì chính là do nhân dân bởi họ là chủ thể của lễ hội và làm cho giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Tiên Công trường tồn với thời gian."
Mỗi độ xuân về, các xã đảo Hà Nam lại rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc bát âm cùng cờ ngũ sắc để mừng thọ các bậc cao niên. Đây không chỉ là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, những người đầu tiên quai đê lập làng, mà còn là dịp con cháu báo hiếu cha mẹ, cũng là hoạt động để các thế hệ trẻ dung dưỡng tâm hồn; thêm hiểu và thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại để cùng nhau gìn giữ, trao truyền mãi mãi về sau...