Độc đáo tranh dân gian hàng Trống

(VOV5) - Tranh hàng Trống có lịch sử hình thành đã 400 năm và phát triển sớm với dòng tranh tín ngưỡng, tranh Tết. Đầu thế kỷ 20, tranh hàng Trống tiếp tục hình thành dòng tranh sinh hoạt xã hội như: Tố nữ, Chợ quê, Hội Tây, Duyệt binh, Múa rồng, Múa lân… hay dòng tranh phản ánh các tích truyện như: Truyện Kiều, tuồng Sơn Hậu... Đề tài rộng mở, đáp ứng được cả nhu cầu tín ngưỡng và giải trí nên dòng tranh này được đông đảo tầng lớp nhân dân ưa chuộng. 


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Tranh dân gian hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người kinh kỳ xưa. Tranh hàng Trống có tên gọi như vậy là bởi trước kia, cứ gần Tết, người người, nhà nhà làm tranh ở các giáo phường trên đất kinh kỳ Thăng Long lại mang sản phẩm của mình ra đình Hàng Trống bày bán. Người mua tranh chúc tụng như Tứ quý, Thất đồng, Tam đa... để nguyện cầu bình an, tài lộc; người sắm tranh thờ như Tam Phủ, Tứ Phủ, Thượng Thiên... mang về nhà hay các đình, chùa để treo. Thời đó, tranh Hàng Trống là thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên. Bà Lê Thị Mai, người dân phố hàng Nón, cho biết: "Mẹ tôi luôn luôn là người yêu tranh và treo tranh công chép ở hai bên ban thờ. Bức công thể hiện cho người phụ nữ, cái cao quý, cái hạnh phúc của gia đình. Còn bức tranh cá chép tượng trưng cho người đàn ông, sự thành đạt, cá chép vượt vũ môn hóa rồng".

Độc đáo tranh dân gian hàng Trống - ảnh 1
Tranh tết Hàng Trống:" Bà Triệu"


Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người nắm rõ phong cách và phương pháp tranh Hàng Trống ở Hà Nội chia sẻ: "Gia đình tôi là gia đình nhiều đời làm tranh. Theo những người cao tuổi trong gia đình khi còn sống cho biết thì phố hàng Trống rất nhiều người làm và cả những khu vực xung quanh làm nữa. qua thời gian, chiến tranh loạn lạc nhiều gia đình không tiếp tục làm nhưng gia đình tôi vẫn làm đến đời tôi đến bây giờ".

Do thời gian, chiến tranh, nhiều bản khắc của dòng tranh hàng Trống bị thất lạc. Hiện nay, số lượng bản khác gỗ còn lại khoảng gần 30 ván. Trong số bản khắc còn lưu lại, bản lớn nhất có khổ 120cm x 80 cm, bản nhỏ nhất khổ 45 cm x 30 cm. Từ các bản khắc quan trọng này, những bức tranh đã được in ra, bằng thứ mực Tàu mài nguyên chất. Sau đó là công đoạn bồi giấy. Có loại tranh bồi một lớp, có loại phải bồi đến 2-3 lớp giấy. Khi hồ khô thì mới vẽ màu lại, phải mất 3-4 ngày mới hoàn thành một bức tranh. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết: "Nghệ thuật tranh giấy phương đông của mình thì khâu bồi tranh cực kỳ quan trọng. Có được tranh đẹp không thì phụ thuộc vào công đoạn này. Giấy dó một lần thì nó rất là mỏng manh nên khi được bồi sẽ làm cứng lên thêm 2, 3 lớp tranh khiến mình vẽ dễ dàng hơn. Trong quá trình chơi tranh một vài chục năm sau thì chẳng may có bị mốc hay thủng do tác động khí hậu, thì người chơi tranh mang đến đây tôi bóc ra, tôi bồi lại và phục chế lại thành tranh cổ mới".

Độc đáo tranh dân gian hàng Trống - ảnh 2


Chỉ với chiếc bút lông trên tay người nghệ nhân đã tạo nên được độ đậm nhạt khác nhau giữa nét vẽ và các gam màu. Bố cục trong từng bức tranh được tạo thành bởi mỗi nhân vật có tư thế, nét mặt, trạng thái khác nhau. Anh Lê Bích, một người yêu thích tranh dân gian cho biết: "Tranh Hàng Trống đối với mình đó là tinh hoa của người thị dân ở Hà Nội. đi sâu vào mới thấy kỹ thuật của tranh hàng Trống không phải ai cũng làm được, chính vì thế không ai theo nghề được. Kỹ thuật cản màu trong tranh hàng Trống đến cả họa sĩ được đào tạo bài bản cũng chưa chắc làm được như bác Nghiên. Kỹ thuật cản màu đòi hỏi nhìn đơn giản nhưng ophair được rèn luyện mấy chục năm. Người ta gắn bó cả đời mới có thể làm được. Chính điều đó tôi rất thích dòng tranh hàng Trống vì nó phục vụ cho thị dân và kỹ thuật cao cấp hơn nhiều dòng tranh khác".

Khác với tranh Đông Hồ, bức tranh thường được tạo ra bằng cách in chồng các ván màu lên nhau, sau đó bản nét được in cuối cùng để tạo nên tác phẩm thì tranh Hàng Trống của Hà Nội lại sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Tranh Hàng Trống là thể loại tranh được in một lần bản nét, sau đó người nghệ nhân thể hiện bằng việc tô màu lên, tạo sóng bằng bút lông. Đây chính là nét đặc trưng, độc đáo riêng của tranh hàng Trống.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác