(VOV5) - Hiện nay, Hà Giang đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng…
Những năm qua, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển du lịch, đặc biệt là tại bốn huyện thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn (Quản bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn). Mô hình du lịch homestay đã giúp đồng bào các dân tộc nơi đây phát triển sản xuất và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của mình.
Bản du lịch cộng đồng Lô Lô Chải nhìn từ trên cao. Ảnh: baodantoc.vn |
Nghe âm thanh phóng sự:
Trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, có các làng du lịch cộng đồng nổi tiếng, như: Làng du lịch cộng đồng Nặm Đăm (huyện Quản Bạ), làng H'Mông Pả Vi (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc), bản Lô Lô Chải của người Lô Lô (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Hà, huyện Đồng Văn), Phố cổ Đồng Văn…
Bà con dân tộc Dao Làng du lịch cộng đồng Nặm Đăm (huyện Quản Bạ), bắt đầu làm du lịch cộng đồng cách đây hơn 10 năm. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước… những ngôi nhà sàn ở thôn Nặm Đăm theo thời gian đã khoác lên mình một diện mạo mới. Hiện Nặm Đăm đã có 35 hộ gia đình đủ điều kiện đón khách lưu trú theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thu nhập từ du lịch đạt khoảng 30 triệu đồng (1.200 USD)/người/năm. Anh Lý Quốc Lộc, chủ homestay Lý Văn Quang, chia sẻ: Trước đây, đời sống của gia đình chỉ trông cậy vào trồng ngô, trồng rừng, nuôi trâu… Từ ngày làm du lịch, kinh tế của gia đình đã ổn định hơn: “So với làm nông thì làm dịch vụ du lịch giúp đời sống kinh tế của gia đình tốt hơn. Tuy nhiên, phải giữ được cảnh quan sạch sẽ và bảo tồn được bản sắc văn hóa của dân tộc thì du khách mới tìm đến”.
Anh Lý Tả Dồn, từ năm 2019 đã bắt đầu triển khai làm homestay. Căn nhà trình tường của gia đình đã được sửa sang, mở rộng; khu vệ sinh được xây mới để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Anh Dồn cho biết: Để làm homestay, các thành viên trong gia đình đã dành thời gian đi học các lớp kiến thức về du lịch, giao tiếp tiếng Anh do địa phương tổ chức… Nhờ vậy, những năm qua, homestay đón lượng khách ổn định, giúp gia đình ổn định cuộc sống: “Từ lúc mở homestay, cuộc sống thay đổi nhiều. Trong thôn, đường xá xanh, sạch, đẹp, đời sống khá giả hơn… nhà cửa cũng khang trang hơn”.
Phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống đang là hướng đi của huyện Mèo Vạc trong phát triển du lịch cộng đồng. Thôn Sảng Pả A, Thị trấn Mèo Vạc, là nơi cư ngụ của đồng bào Lô Lô, một dân tộc có số dân chưa đến 10.000 người ở Việt Nam. Nếu như trước đây, người Lô lô chỉ làm nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm… thì nay bà con đã chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, tư sửa lại những ngôi nhà trình tường để làm homestay đón du khách trong nước và quốc tế. Gia đình ông Lò Văn Tâm, cách đây 3 năm đã mua một ngôi nhà sàn để mở dịch vụ homestay và làm nơi lưu trú cho du khách.
Gia đình ông phục vụ khách ăn, ở với những món ăn địa phương. Mỗi tháng, trừ các chi phí, gia đình ông Lò Văn Tâm thu nhập từ 20-30 triệu đồng (trên dưới 1.000 USD). Ngay cạnh nhà ông Tâm ở thôn Sảng Pả A, chị Nông Thị Tuệ cũng đã phục dựng lại ngôi nhà cổ của gia đình trở thành nơi lưu trú rất độc đáo cho du khách. Chị Nông Thị Tuệ tiếp thị du khách bằng cách giới thiệu những phong tục, tập quán độc đáo của người Lô Lô, làng Lô Lô trên các trang mạng xã hội, như: fanpage, facebook, booking… Nhờ vậy, ngôi nhà đón một lượng khách ổn định và gia đình có mức thu nhập từ 8-11 triệu đồng (350-450 USD)/tháng.
Hà Giang đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: baohagiang.vn |
Cũng tại huyện Mèo Vạc, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, được khởi công xây dựng từ tháng 12/2016 và đi vào hoạt động từ tháng 4/2019. Trước khi làng văn hóa đi vào hoạt động, cuộc sống của bà con tại Pả Vi Hạ còn rất nhiều khó khăn, do nơi đây nằm trên địa hình đá vôi, người dân chỉ trông chờ vào nuôi dê, bò và trồng ngô. Để nâng cao đời sống cho bà con, huyện Mèo Vạc đã chọn khu vực tại thôn Pả Vi Hạ, cách thị trấn Mèo Vạc khoảng 6km, để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch cộng đồng. Chị Hoàng Thị Hiên, chủ homestay Pả Vi, cho biết: chính quyền địa phương, Ngân hàng tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho bà con, như: hỗ trợ mặt bằng 50 năm không thu phí, giảm lãi suất đối với các hộ tham gia kinh doanh dịch vụ... Nhờ vậy, 28 hộ đồng bào dân tộc đã tham gia đầu tư, kinh doanh homestay tại đây: “So với hoạt động nông nghiệp, làm homestay mang lại thu nhập cao hơn cho các gia đình. Ban đầu, các gia đình rất bỡ ngỡ, lo lắng bởi vốn lâu nay chỉ quen làm nông nghiệp, chưa biết làm dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, Phòng Văn hóa huyện Mèo Vạc đã mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, buồng phòng, đi thăm quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương”.
Hiện huyện Mèo Vạc có 5 Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Với nguyên tắc phát triển bền vững, vừa bảo tồn vừa khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, mô hình kinh doanh dịch vụ làng văn hóa du lịch cộng đồng đã giúp bà con các dân tộc nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: “Khi bắt đầu triển khai các Làng văn hóa du lịch cộng đồng, ban đầu có nhiều khó khăn, đặc biệt là nhận thức của bà con nhân dân. Tuy nhiên, huyện đã vận động, tuyên truyền… Đến nay, việc triển khai các Làng văn hóa các du lịch đã mang lại giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân để xóa đói, giảm nghèo bền vững”.
Hiện nay, Hà Giang đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng… Cũng từ đó, các làng văn hóa du lịch cộng đồng và những hộ dân làm dịch vụ homestay ngày càng phát triển, người dân có thêm nhiều cơ hội việc làm, thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Mục tiêu của tỉnh Hà Giang nói chung, và các huyện thuộc Công văn địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn nói riêng, là đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của địa phương; tiến tới đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.