(VOV5) - Cổng trời Đông Giang là một tổ hợp công trình mang đến cho du khách một hành trình khám phá, trải nghiệm nhiều câu chuyện đặc sắc mang màu sắc văn hóa bản địa.
Cổng trời Đông Giang là khu du lịch sinh thái đầu tiên, có quy mô lớn nhất khu vực miền núi vùng tây Quảng Nam. Được mệnh danh là “Kiệt tác giữa đại ngàn”, nơi đây hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách, khi tích hợp được 4 loại hình du lịch đang phổ biến hiện nay: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa bản địa, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe. Có thể nói, Cổng trời Đông Giang là sản phẩm du lịch hấp dẫn, mở ra triển vọng phát triển cho vùng Tây xứ Quảng.
Những đoàn khách đầu tiên đã đến với Cổng trời Đông Giang |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Bao ngàn năm ngàn năm mây bay vờn với núi/ Bao ngàn năm ngàn năm mưa ngàn giăng khắp rừng/ Bao ngàn năm ngàn năm thác cao reo cùng suối/ Mà bây giờ bây giờ ta mới tới nơi đây…”
Những lời ca trong bài hát "Về với cổng trời Đông Giang" của nhạc sĩ Lê Thống Nhất theo tôi trên chặng đường gần 80 cây số từ thành phố Đà Nẵng lên Cổng trời Đông Giang. Giữa bạt ngàn đồi núi, hiện lên một khu sinh thái xinh đẹp, nơi kiến trúc hòa quyện với khung cảnh hữu tình, có tiếng rì rào của những thác nước đổ về từ trên những đỉnh núi của dãy Trường Sơn. Không khí mát lành làm dịu lại tâm hồn của những du khách có dịp đặt chân đến đây.
Đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ nơi vùng Tây xứ Quảng |
Nhạc sĩ Lê Thống Nhất chia sẻ: "Thật may mắn là trong một chuyến công tác vào Đà Nẵng, tôi đã được mời lên Cổng Trời Đông Giang với tư cách là thầy giáo cũ của cậu học trò chuyên toán, Đại học Vinh mà nay là chủ tịch tập đoàn FVG. Tôi đã từng tới nhiều khu du lịch sinh thái ở Việt Nam cũng như nhiều nước nhưng vẫn cứ bị cuốn hút bởi Cổng Trời Đông Giang. Tôi được biết khu du lịch này được các nhà thiết kế Singapore thực hiện và phần xây dựng những công trình phục vụ khách tham quan chỉ chiếm 10% diện tích trong khi giới hạn cho phép là 25%. Ít khu du lịch sinh thái nào lại có đủ một quần thể bao gồm những ngọn thác trên núi, suối, rừng, hang, động mà trong đó có cả cổng trời. Các công trình xây dựng mang đậm phong cách phương đông quen thân gần gũi với chúng ta và chắc chắn sẽ thu hút cả những khách quốc tế".
Những ngọn thác rì rào kể chuyện... |
Nằm trên diện tích 120 hécta, Cổng trời Đông Giang là một tổ hợp công trình mang đến cho du khách một hành trình khám phá, trải nghiệm nhiều câu chuyện đặc sắc mang màu sắc văn hóa bản địa như làng Văn hóa Cơ tu, khám phá hệ thống hang động, thác suối kì vĩ, rừng bòn bon xanh mát sai trĩu quả, nhiều công trình đặc sắc như: hệ thống 7 cây cầu bắc qua sông Ngân, mô hình khủng long hóa thạch… Nơi đây cũng có tổ hợp lưu trú, nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn 4 sao với quy mô 200 phòng, cùng hệ thống nhà hàng với các món ăn đa dạng.
Với việc chọn huyện miền núi Đông Giang làm trọng tâm phát triển, Tập đoàn FVG đặt tham vọng biến nơi này trở thành tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.
Những công trình được xây lên chỉ chiếm 10% diện tích |
Ông Trần Văn Hà, đại diện chủ đầu tư khu du lịch này cho biết: "Cổng trời Đông Giang có địa hình rất phức tạp. Khi xây dựng, việc vận chuyển vật liệu rất khó khăn, chưa kể những ngày mưa nắng thất thường làm cho việc xây dựng gặp không ít cản trở. Trước năm 2018 không có điện, và tập đoàn FVG đã mở đường điện dài hơn 3km, và có cả mạng điện thoại đến Cổng trời Đông Giang. Tâm huyết của Chủ tịch Tập đoàn FVG là muốn xây dựng một công trình du lịch nơi đây, là khu du lịch có tầm cỡ của tỉnh Quảng Nam nói riêng và của Việt Nam. Trước mắt là tạo việc làm cho bà con, khi 80% nhân viên trong khu du lịch là người dân tộc Cơ Tu".
Ông Trần Văn Hà cùng một du khách nhí dạo chơi trong không gian xanh |
Ngay từ đầu khi xây dựng khu du lịch, Tập đoàn FVG đã xác định mục tiêu của dự án là sẽ góp phần tạo sinh kế cho người dân địa phương và đóng góp vào ngân sách của huyện miền núi Đông Giang. Điều đó cũng là niềm mong đợi của bà con Cơ Tu nơi đây, nhất là các bạn trẻ.
Bríu Thị Brơnh, cô gái trẻ người Cơ Tu đã làm việc ở đây được 3 năm |
Cô gái trẻ Bríu Thị Brơnh, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế đã vào đây làm được 3 năm. "Em học về nông nghiệp nên được nhận vào làm ở bộ phận kỹ thuật cây xanh. Vào đây làm, em không phải đi xa mà được làm gần nhà. Đây là môi trường để em tự trau dồi, cũng như hiểu được khả năng của mình ở đâu và học hỏi thêm từ các anh chị đi trước. Cái thay đổi lớn nhất là tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là lớp trẻ được đi làm, có thu nhập, có nguồn sinh kế tương đối ổn định. Khi khu này được hình thành, kích cầu phát triển du lịch, quảng bá được những nét đẹp trong văn hóa và thiên nhiên của quê hương Đông Giang ra cả Việt Nam và xa hơn nữa là thế giới" - Bríu bày tỏ.
Điệu múa đặc sắc của các chàng trai, cô gái Cơ Tu |
Bám sát mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, cũng như mong muốn làm phong phú hơn các dịch vụ tại Khu du lịch, bên cạnh việc cho du khách trải nghiệm ẩm thực Cơ Tu, Ban quản lý dự án đã đưa hai trong số ba di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã được công nhận là nghề dệt thổ cẩm và múa tân tung da dá vào chương trình biểu diễn.
Những món đặc sản nơi núi rừng |
Theo ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang: "Khu du lịch này đi vào hoạt động chính là mong ước của chính quyền và bà con nơi đây. Mọi người rất đồng tình hưởng ứng và vui mừng phấn khởi khi dự án đã đi vào hoạt động, bởi đây cũng là luồng sinh khí mới để bà con tiếp tục tăng ia sản xuất, phát triển kinh tế khi bán được nông sản cho khách du lịch, đồng thời giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa Cơ Tu, đặc biệt là 3 di sản văn hóa phi vật thể là điệu múa Tâng tung da dá, dệt thổ cẩm và nói lý hát lý. Cùng với đó là phát triển và bảo tồn các môn thể thao, trò chơi dân gian của đồng bào miền núi. Có khu du lịch sinh thái này, cũng giúp cho người dân nơi đây nhận thức sâu hơn về việc bảo tồn và phát triển rừng, bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào Cơ Tu, đồng thời liên kết các giá trị nông sản để phục vụ du khách".
Tại khu du lịch Cổng trời Đông Giang có tới 16 ngọn thác |
Trong không khí mát lành thanh tĩnh nơi núi rừng xanh thẳm, du khách được trải nghiệm cả 4 điểm nhấn: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa bản địa, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, với nhiều du khách, Cổng trời Đông Giang còn trở nên đáng yêu hơn bởi tính nhân văn và cộng đồng mà dự án mang lại. Và đây là tâm sự của hai trong số những vị khách đầu tiên đến với khu du lịch này: "Tôi cùng với đoàn các thầy cô giáo đến đây. Ở một vùng sâu của đồng bào dân tộc, khu du lịch sinh thái như thế này có ý nghĩa rất lớn. Nó không chỉ phát triển kinh tế xã hội mà còn giúp cho việc phát triển vùng sâu vùng xa của đất nước".
Các hang động cũng là điểm đến thú vị cho du khách khi tới đây |
"Tôi từ Hà Tĩnh vào đây, và thực sự ngỡ ngàng. Khu vực này còn rất hoang sơ, cảnh rất đẹp. Các nhà đầu tư vào đây rất có tầm suy nghĩ. Tuy mới giai đoạn đầu nhưng tôi thấy cảnh quan thật hùng vĩ, so với những khu du lịch khác tôi từng đi thì Cổng trời Đông Giang thật hấp dẫn và có triển vọng. Cùng với các khu du lịch khác ở đất Quảng Nam sẽ tạo thành một quần thể du lịch rất đẹp".
Các bạn trẻ thích thú khoác trên mình trang phục Cơ Tu |
Tháng 7 này, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang chính thức mở cửa sau 3 tháng chạy thử nghiệm. Hạ tầng đang dần được nâng cấp, các gói sản phẩm mới vẫn đang tiếp tục được đưa vào phục vụ du khách trong giai đoạn hai, như lời đại diện chủ đầu tư Trần Văn Hà: "Nếu ai từng đến thăm Công trời Đông Giang từ những ngày đầu, khi phải lội suối trèo đèo để ngắm được 1 cái thác, thì bây giờ có đến 16 cái thác trải dài trong khu du lịch. Giai đoạn 2 chúng tôi có thêm cáp treo, 1 làng Cơ Tu, khu vui chơi giải trí, một thành cổ, có cả một phim trường và chợ quê nữa. Khách nước ngoài cũng đã đến đây, và rất thích về phong cảnh khu du lịch sinh thái nằm giữa núi rừng như vậy. Tới đây, chúng tôi đang mở rộng quảng bá sang một số nước, ví dụ như gần nhất là chúng tôi đã sang Nga để quảng bá Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang này".