Lặng lẽ cứu người không kể công


Mặc dù mang trong mình rất nhiều thương tật nhưng thương binh Đào Viết Thoàn vẫn lặng lẽ ngày đêm chữa bỏng cứu, người.  

Qua giới thiệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, chúng tôi tìm về cơ sở chữa bỏng của thương binh Đào Viết Thoàn tại thôn Đồng Ấu, xã An Quý (Quỳnh Phụ). Cơ sở của ông có rất đông người từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về khám, chữa bỏng.

Tại cơ sở chữa bỏng, anh Lê Văn Tuyên ở xã Đông Hoàng, Đông Hưng (Thái Bình) đang công tác tại tỉnh Hải Dương cho biết: Khoảng giữa tháng 6/2012, tôi bị ngã xe ở Hải Dương. Cú ngã mạnh đó khiến tôi bất tỉnh, chân phải bị bô xe máy đè vào nên bị bỏng nặng. Sau đó tôi có đi chữa ở một số bệnh viện nhưng không khỏi.

Lặng lẽ cứu người không kể công  - ảnh 1
Cơ sở khám, chữa bệnh của thương binh Đào Viết Thoàn


May thay, trước đó mẹ tôi có xem một phóng sự truyền hình nên biết có một cơ sở chữa bỏng ở quê nhà rất tốt nên đưa tôi tìm về chữa bỏng vào giữa tháng 7/2012. Sau khi thăm khám, thầy thuốc Thoàn kết luận: Chân tôi có nhiều chỗ bị hoại tử da rất nặng. Sau mấy ngày được bác Thoàn tận tình đắp thuốc, thay băng, tôi thấy vết thương lành nhanh và không còn cảm giác đau rát.

Do nhà tôi ở xa nên bác Thoàn cho hai mẹ con tôi ở tại gia đình chữa bệnh nhưng không lấy tiền nhà, tiền nước và tiền điện. Bác Thoàn nói mấy hôm nữa tôi có thể về Hải Dương tiếp tục công tác và khẳng định chân sẽ không để lại sẹo.

Sau khi thăm khám, đắp thuốc cho bệnh nhân ở Trạm y tế xã An Quý, ông Thoàn nhận lời về nhà tiếp chúng tôi. Ông dẫn chúng tôi đi thăm khu chữa bệnh. Cơ sở của ông có 10 giường bệnh nhưng đều kín chỗ. Bệnh nhân đến đây khám, chữa bỏng không chỉ Thái Bình mà có cả người ở Hà Nội, Hưng Yên...

Cơ sở khám, chữa bệnh được ông bố trí ngăn nắp, sạch sẽ, có giường chiếu đầy đủ cho bệnh nhân. Tại căn nhà tình nghĩa, ông bài trí một ban thờ Bác Hồ trang trọng, bên trên ghi dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập - tự do”; ở hai bên có hai câu: “Lấy trung hiếu giữ nhà bền vững” và “Dùng đức nhân xử thế lâu dài”. Trên bốn bức tường chung quanh phòng khách ông treo trang trọng hàng trăm huân, huy chương và bằng khen của các bộ, ngành và của địa phượng.

Ông Thoàn bảo chúng tôi chút nữa các anh nên ra Trạm y tế xã tìm hiểu và phỏng vấn thêm một số bệnh nhân ở xa nhưng bị bỏng rất nặng mới về. Do ở nhà chật quá nên tôi nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện đặt gần chục giường bệnh ở đó.

Qua tìm hiểu, những người có mặt ở đây 100% là đi chữa bỏng. Có người bỏng nước sôi, có người bỏng cồn, có người bị rơi xuống hố tôi vôi tụt hết da đùi nên được băng bó trắng xóa.

Em Nguyễn Thị Linh, học sinh lớp 9, trường THCS Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội mặc dù đang rất đau vì bỏng cồn nhưng cố gắng chia sẻ với chúng tôi.

Em Linh cho biết: Một lần, khi nướng mực do sơ ý nên em bị một hộp cồn rất to đổ ướt sũng vào hai chân và một tay. Khi đó em cảm thấy toàn thân như đang bị lửa đốt rồi sau đó da bị rộp, lở loét, chảy nước.

Gia đình đã đưa em đi Bệnh viện Bắc Thăng Long cứu chữa nhưng mãi không khỏi. May là gần nhà em có người cách đây không lâu cũng bị bỏng và từng chữa ở Thái Bình nên giới thiệu cho bố mẹ đưa em về đây. Tại đây, qua thăm khám, bác Thoàn cho biết em bị bỏng độ 2 và độ 3 với diện tích 19% ở hai chân và tay trái. Do em bị nặng nên mỗi ngày bác Thoàn đắp và thay băng cho em hai lần. Linh cho biết, bác ấy tận tình lắm, chân bác đi tập tễnh, một mắt bị hỏng nhưng chưa khi nào làm em đau cả. Sau những lần bác ấy đắp thuốc em thấy dễ chịu và thấy vết thương lành nhanh.

Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại

Ông Thoàn xúc động kể lại cho chúng tôi nghe về cuộc đời người lính và cái duyên thành thầy thuốc chữa bỏng cứu người: “Năm 1976, tôi đi bộ đội ở đặc khu Quảng Ninh. Trong khi làm nhiệm vụ tôi bị thương và được đơn vị đưa về điều trị tại Quân y viện 103. Những vết thương rất nặng tưởng chừng không sống nổi do chấn thương sọ não, vỡ khoét bỏ bánh chè chân phải, gẫy xương sườn bên phải, mất toàn bộ hai cơ dép và hai cơ mông, mất một mắt trái phải thay mắt giả, mất xương bàn chân phải, xẹp đột sống D11, D12...

Ngần ấy vết thương găm trong người nên tôi liên tục phải nằm trên bàn mổ ngót ngét chục lần trong suốt hai năm trời. Song, được sự quan tâm cứu chữa của các bác sĩ Bệnh viện 103, với sự động viên của đơn vị, sự chăm sóc của gia đình, đã thôi thúc tôi phải sống và làm việc xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

May mắn tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng những vết thương ở bàn chân tôi đã được ghép da nhiều lần mà không liền, vẫn bị hoại tử và lộ xương. Cảm thông với hoàn cảnh của tôi, sau đó các bác sĩ Bệnh viện 103 giới thiệu cho biết loại thuốc sinh cơ, nuôi thịt đang điều trị vết thương mà tôi gặp phải được chế ra từ một ngôi chùa do sư cụ Thích Đàm Lương khởi xướng.

Và rồi tôi tìm đến chùa Trắng, thôn Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì (Hà Nội) ở và xin được đắp thuốc. Trong quá trình ở chùa bản thân tôi vừa chữa bệnh, vừa tìm tòi học hỏi đọc tham khảo nhiều tài liệu y học, dược học với mục đích là tự giải phóng vết thương của mình.

Sau một thời gian dài, sư cụ thấy tôi là người có nghị lực, có tâm, có đức, có tố chất và năng khiếu để trở thành người thầy thuốc chữa bệnh cứu người nên đã nhận tôi làm con nuôi. Thầy đã tận tình cứu chữa khỏi bệnh cho tôi đồng thời thụ giáo dạy cho tôi biết bí quyết chế thuốc, cách chữa bệnh của loại thuộc bí truyền này.

Sau 5 năm miệt mài học hỏi tôi đã nắm bắt thành thạo cách chế thuốc và phương pháp điều trị. Năm 1987, tôi về điều dưỡng tại gia đình, bước đầu việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn với hai tay hai nạng. Thời điểm đó vết thương cũ của tôi lại liên tục tái phát và hoàn cảnh gia đình khó khăn do nuôi con nhỏ nên nhiều lúc tôi thấy kiệt quệ. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, địa phương đã xây tặng gia đình tôi căn nhà tình nghĩa.

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, suốt 25 năm qua tôi đã dành tất cả thời gian và sức khỏe của mình để cứu chữa người bệnh, bởi một lẽ bệnh nhân đến với tôi có nhiều người hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Có người bệnh rất nặng, nhiều bệnh nhân bỏng sâu vào tận gân, tận xương.

Mặc dù mỗi khi trái gió trở trời vết thương hoành hành làm cho cơ thể tôi đau đớn, song vì tiếng kêu cứu của người bệnh nhiều hôm tôi đã khám chữa bệnh, lao động bằng khối óc và tay chân từ sáng hôm trước đến tận sáng hôm sau. Tôi luôn coi vết thương của người bệnh như vết thương của chính bản thân mình, luôn động viên an ủi và chăm sóc vết thương của người bệnh, hết lòng, hết sức tận tình cứu chữa khỏi bệnh không để xảy ra tai biến gì cho 19.589 bệnh nhân”.

Nói về thương binh Đào Viết Thoàn, ông Tăng Quốc Sử, Chánh văn phòng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Bình chia sẻ: anh Thoàn là một thương binh loại đặc biệt (1/4), được Bộ Y tế, Sở Y tế Thái Bình cấp giấy chứng nhận đặc cách người có bài thuốc chữa bỏng. Tuy là một thương binh nặng nhưng anh Thoàn đã vượt qua nhiều khó khăn. Điều đó được chứng minh khi anh nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo ra phương pháp mới như: Mỗi khi thay băng, tháo băng vết thương không bị dính; đắp thuốc vào vết thương mát làm hạn chế cơn đau đớn cho bệnh nhân. Vết thương, vết bỏng nhanh liền, ít để lại di chứng, rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm được kinh phí điều trị cho người bệnh.

Để làm được điều đó, anh Thoàn đã biết kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong việc chữa bỏng cho bệnh nhân và được Bộ Y tế, Sở Y tế Thái Bình ghi nhận.

Những năm qua, mặc dù mang trong mình rất nhiều thương tật, thương binh Thoàn vẫn lặng lẽ ngày đêm chữa bỏng cứu, người. Anh Sử cho biết thêm, 1.268 bệnh nhân là đối tượng chính sách như: Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh chị em thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật trẻ em mồ côi, con em đồng đội đều được ông chữa bệnh không lấy tiền.

Với nghị lực phi thường và nghĩa cử cao đẹp, thương binh Đào Viết Thoàn được nhiều người biết đến và gọi ông là “thầy thuốc của nhân dân”./.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin/bài khác