(VOV5) - Mỗi khi Tết đến xuân về, chùa Bà Thiên Hậu là điểm đến, và lễ hội cùng tên trở thành một trong những lễ hội lớn bậc nhất của người dân Nam Bộ.
Chùa Bà Thiên Hậu còn được biết đến với tên gọi khác là miếu Bà Thiên Hậu. Đây là ngôi miếu do cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Bình Dương xây dựng giữa thế kỷ XIX để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị Thần phù hộ cho người đi biển. Vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm, tại Bình Dương đều diễn ra lễ hội chùa Bà Thiên Hậu. Đây là lễ hội lớn và đặc trưng của tỉnh, tái hiện văn hóa của cộng đồng người Hoa và có nhiều yếu tố mới, tạo nên sự phong phú, đa dạng, dung hòa với văn hóa bản địa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ban đầu, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu tại Bình Dương được tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa sinh sống nơi đây, nhưng về sau những câu chuyện về Bà Thiên Hậu ngày một lan rộng, người dân địa phương và các khu vực lân cận cũng thờ phụng Bà. Mỗi khi Tết đến xuân về, chùa Bà Thiên Hậu là điểm đến, và lễ hội cùng tên trở thành một trong những lễ hội lớn bậc nhất của người dân Nam Bộ. Đặc biệt, vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, hàng vạn lượt người đến từ khắp cả nước đổ về dự hội.
Lễ hội diễn ra với quy mô hoành tráng với nhiều nghi thức, hoạt động sôi nổi nhưng nghi thức rộn ràng nhất là nghi thức rước kiệu Bà đi qua các tuyến đường chính ở trung tâm thành phố Thủ Dầu Một.
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Bình tại Bình Dương. Ảnh: daibieunhandan.vn |
Một số người am hiểu về lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương, cho biết: trong lễ hội có tổ chức lễ rước Bà để người dân chiêm bái. Theo truyền thống xưa, khi đoàn rước kiệu Bà đi ngang thì người dân bố trí những chiếc bàn ở trước nhà để cúng Bà. Điều đó thể hiện niềm tin của bà con đối với bà Thiên Hậu.
Những năm gần đây, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu còn được biết đến với tên thân thương là "lễ hội miễn phí". Khi tới đây, mọi người đều được miễn phí từ đồ ăn, thức uống đến nhang, đèn. Không khó để nhận ra những thùng nước suối miễn phí được xếp dọc những con đường gần khu vực chùa Bà. Nước uống được phục vụ cho tất cả mọi người, không phân biệt khách có đi lễ hội hay không. Ngoài ra, nhiều gia đình ở thành phố Thủ Dầu Một còn chuẩn bị sẵn hàng trăm suất bánh mì, cơm chay để phục vụ bà con. Có gia đình nấu thêm nước sâm lạnh để người dân đổi vị. Một số người dân Bình Dương bày tỏ: Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp: những người từ nơi xa về viếng Bà sẽ cảm nhận được tình cảm ấm áp của người Bình Dương. Chúng tôi đã trao rất nhiều phần quà nước uống, thức ăn cho du khách.
Khách hành hương đến viếng rất đông nên chúng tôi đồng hành cùng Ban trị sự chuẩn bị 10 nghìn khăn lạnh, chai nước suối để phát cho bà con.
Ngoài ra, để hỗ trợ du khách, thành phố Thủ Dầu Một còn thành lập các đội tình nguyện phát sơ đồ hướng dẫn người đi đường, hỗ trợ vá xe lưu động miễn phí, thành lập đội cứu hộ, kịp thời sơ cứu khi có sự cố.
Tất cả những nghĩa cử này đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, khiến lễ hội chùa Bà Thiên Hậu đã vượt qua giới hạn của một lễ hội tín ngưỡng để trở thành lễ hội của lòng nhân ái, của tình yêu thương, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Điều này trở thành nét độc đáo, riêng có của tỉnh Bình Dương. Một số du khách bày tỏ:
Tôi cảm thấy rất bất ngờ với sự hoành tráng của lễ chùa Bà Thiên Hậu. Ở đây, không có sự chen lấn, xô đẩy. Một điều đặc biệt là tất cả đều miễn phí, không giống bất kỳ nơi nào tôi đã đến.
Tôi cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương, đoàn kết dân tộc. Mọi người đều mong muốn quốc thái dân an, nhà nhà bình an, vạn sự lành. Mọi người rất háo hức. Lễ hội đã đem lại sự kết nối văn hóa.
Nhờ cách tổ chức lễ hội độc đáo của tỉnh Bình Dương, từ một lễ hội của riêng cộng đồng người Việt gốc Hoa, nay lễ hội chùa Bà Thiên Hậu đã lan tỏa rộng rãi, trở thành lễ hội lớn của tỉnh, rộng hơn nữa là của cả vùng Đông Nam Bộ.
Nghi thức rước kiệu Bà đi qua các tuyến đường chính ở trung tâm thành phố Thủ Dầu Một. Ảnh: daibieunhandan.vn |
Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh Bình Dương, hằng năm lễ hội chùa Bà Thiên Hậu đón hơn 01 triệu lượt khách. Tỉnh Bình Dương xác định cùng với lễ hội Kỳ Yên, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu là một trong những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của địa phương. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, những lợi thế riêng có này. Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Dương, cho biết: Ngành đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên đia bàn tỉnh. Và trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch về bảo tồn và phát huy những giá trị này. Bên cạnh đó, cùng với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Trải qua thời gian, với sự thích ứng và hòa nhập, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu trở thành nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương và các vùng phụ cận. Đây cũng là yếu tố thuận lợi để tỉnh Bình Dương phát triển du lịch văn hóa tâm linh kết hợp đầu tư khai thác các loại hình du lịch vui chơi giải trí khác, để tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn, có chất lượng trong lòng du khách.