(VOV5) - Năm 14 tuổi, cô bé Kunh Thia đã có mặt trên sân khấu biểu diễn Dì kê – một loại hình nghệ thuật dân gian Khmer đặc sắc.
Néang Kunh Thia, hiện công tác tại Trung tâm văn hoá huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, là hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn nghệ địa phương. Ngoài khả năng biên đạo, dàn dựng chương trình, Kunh Thia còn có thể biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc khác như nghệ thuật sân khấu Dì kê, nghệ thuật Chằm riêng chà pây…
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Néang Kunh Thia, ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, năm nay 29 tuổi. Tuổi đời còn trẻ nhưng Kunh Thia đã có nhiều đóng góp cho phong trào văn nghệ địa phương. Là con của nghệ nhân Chau Men Sa Rây và nghệ nhân ưu tú Néang Ok nổi tiếng khắp vùng Bảy Núi, Kunh Thia thừa hưởng và bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Năm 14 tuổi, cô bé Kunh Thia đã có mặt trên sân khấu biểu diễn Dì kê – một loại hình nghệ thuật dân gian Khmer đặc sắc.
Thuận lợi của Kunh Thia là được sống trong cái nôi nghệ thuật và sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình với niềm đam mê của cô. Thấy Kunh Thia từ nhỏ đã có năng khiếu ca diễn, vợ chồng nghệ nhân Chau Men Sa Rây cố gắng chăm bồi, truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình trong biểu diễn Dì kê. Kunh Thia tiếp thu rất nhanh, khiến ông Chau Men Sa Rây rất hài lòng:Tôi rất vui khi có con gái là Kunh Thia kế thừa văn hóa truyền thống của dân tộc. Tôi đặt niềm tin vào con và đã cố gắng truyền đạt kinh nghiệm biểu diễn, hát, múa trong nghệ thuật sân khấu Dì kê cho thế hệ sau. Tôi rất vui vì con của mình có sự đóng góp cho lĩnh vực nghệ thuật.
Vợ chồng nghệ nhân Chau Men Sa Ray và Néang OK là linh hồn của Đoàn Nghệ thuật dì kê xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: baodansinh.vn
|
Ngoài biểu diễn tốt thể loại sân khấu Dì kê, Néang Kunh Thia còn có khả năng biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc khác với giọng hát rất ngọt ngào trong những bài dân ca truyền thống. Đặc biệt hơn, Kunh Thia có khả năng biểu diễn nghệ thuật Chằm riêng chà pây – loại hình có nguy cơ bị mai một, được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2013. Néang Kunh Thia đã tham gia nhiều hội thi, hội diễn và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Trong đó, đáng chú ý là Giải vàng ở Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ lần thứ nhất – 2013 tại Sóc Trăng với vai “Néang Tiêu” trong vở “Chuyện tình Tum Tiêu”; giải A tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh An Giang 2017. Néang Kunh Thia cho biết:Bản thân sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, nó đã thấm vào xương máu của mình, mình phải giữ lấy cơ hội này. Từ nhỏ, em đã có thể ca múa, biểu diễn Dì kê, Dù kê. Em muốn biết thêm nhiều hơn nữa, kể cả nhạc cụ truyền thống.
Nghệ sĩ trẻ Nesang Kunh Thia |
Đánh giá về sự đóng góp của Néang Kunh Thia trong các hoạt động phong trào văn nghệ địa phương, ông Chau Sóc Phai, cán bộ văn hóa xã Ô Lâm, cho biết: Kunh Thia còn rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật Chầm riêng chà pây. Cô được đánh giá xếp vào hạng I, hạng II trong khóa học về nghệ thuật Chầm riêng chà pây ở địa phương. Theo tôi thấy, Kunh Thia không chỉ đàn được, hát được mà còn có khả năng sáng tác được nữa.
Bên cạnh đó, Kunh Thia còn có nhiều đóng góp cho đơn vị nơi cô đang công tác, thông qua việc biên đạo, dàn dựng các chương trình văn nghệ để đơn vị tham gia biểu diễn, phục vụ trong và ngoài tỉnh. Ông Cao Tấn Thảo, Phó giám đốc Trung tâm văn hoá huyện Tri Tôn, nhận xét: “Phải nói là Kunh Thia rất giỏi, không chỉ ở phong trào văn nghệ của huyện mà cả tỉnh cũng thường xuyên mời cô đi tham gia những hội thi lớn khu vực, cấp quốc gia. Ngoài biểu diễn, hát thì Neang Kunh Thia còn tham gia biên đạo, dàn dựng chương trình cho các cơ quan, ban ngành trong huyện và tỉnh. Sắp tới, đơn vị cũng có hướng đào tạo Kunh Thia đi đúng ngành đúng nghề luôn, đó là biên đạo múa”.
Những nỗ lực trong hoạt động văn hóa-văn nghệ cho thấy ngọn lửa đam mê nghệ thuật không ngừng cháy trong nghệ sĩ trẻ Néang Kunh Thia. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.