Nét độc đáo của văn hóa và kiến trúc ở Đồng Văn, Hà Giang
Lan Anh -  
(VOV5)- Đến Hà Giang, du khách không chỉ thỏa mãn với vẻ đẹp nao lòng của hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa đào mà còn cảm thấy nghẹn thở khi đứng trên đỉnh dốc đưa mắt nhìn xuống những con đường nhỏ bé quanh co bám quanh sườn núi, một bên là vực sâu. Không chỉ có thế, đến Hà Giang, du khách còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng như dinh thự nhà Vương hay khu phố cổ Đồng Văn.
Nghe âm thanh tại đây:
|
Một ngôi nhà cổ ở phố cổ Đồng Văn. (Nguồn: Báo Ảnh/Vietnam+) |
Từ trung tâm thành phố Hà Giang, chạy dọc quốc lộ 4C khoảng 160km, qua đèo Cán Tý quanh co, một bên vực sâu hiểm trở, một bên thấp thoáng những vạt thông thẳng tắp, du khách sẽ tới thị trấn Đồng Văn, nơi có khu phố cổ nổi tiếng. Thị trấn Đồng Văn nằm trên cao nguyên đá ở độ cao trung bình từ 1 nghìn đến 1 nghìn 600m so với mặt nước biển. Vào đầu thế kỉ 20, khi mới hình thành khu phố cổ trung tâm của huyện Đồng Văn vốn nhỏ bé, chỉ gồm một số gia đình người Tày, Hoa, Mông sinh sống. Năm 1920, người Pháp quy hoạch thị trấn, thay đổi kiến trúc và xây dựng Đồng Văn thành khu phố độc đáo xây bằng đá ong, với tường nhà dày bằng đá, cột lớn chắc chắn.
Nét độc đáo là ở trước cửa nhà có đèn lồng treo cao để thắp lên khi màn đêm buông xuống như muốn cua đi cái lanh khắc nghiệt của phố núi cực Bắc tổ quốc. Bên cạnh những ngôi nhà làm bằng đá thì những ngôi nhà trình tường làm bằng đất nện cũng là nét độc đáo điểm tô cho khu phố cổ Đồng Văn.
|
Một góc phố cổ Đồng Văn. (Nguồn: Báo Ảnh/Vietnam+) |
Ông Lương Huy Ngò, người dân tộc Tày ở Đông Văn, cho biết dòng họ Lương Huy là một trong những dòng họ lớn có tiếng ở phố cổ Đồng Văn. Dòng họ ông sở hữu nhiều ngôi nhà ở phố cổ và những ngôi nhà này hiện vẫn được sử dụng tốt: “Nhà này mùa hè mát, mùa đông ấm. bức tường chỗ dày nhất là 85cm, còn chỗ cửa ra vào thì 65cm. Thời gian đầu tư làm nếu chỉ trình riêng thì có hai đội làm việc khác nhau. Một đội là trình đất còn một đội làm mộc. Nhưng bây giờ làm mộc mà để tìm được những cái cột như thế này thì không tìm được. Cột này ngày xưa là lõi cây còn bây giờ là cây non. Lõi cây thì mấy trăm năm chưa mọt còn cái cây chỉ vài chục năm là mọt. Thứ hai muốn làm nhà trình tường thì phải thuê được một đội làm gồm 6 người. Thời gian làm ít cũng phải một tháng. Đất cũng có hai loại. một loại đất sét dẻo khi trình xuống thì ăn luôn còn một loại độ dẻo không có trình vào khô rời ra.”
Rời khu phố Đồng Văn, qua chặng đường hơn 100km, du khách đến với di tích nhà họ Vương mà trước kia thường gọi là nhà vua Mèo. Đi trên con đường độc đạo, một bên là núi đá, một bên vực thẳm, từ rất xa du khách nhìn thấy một công trình hoành tráng, ẩn mình dưới những tán cây sa mộc thẳng tắp. Công trình này rộng 1200m2 được bao bọc bởi những dãy núi trùng trùng điệp điệp trên cao nguyên đá. Chị Vương Thị Chờ, cháu nội thế hệ thứ tư của ông Vương Chính Đức, làm hướng dẫn viên tại khu di tích nhà Vương, giới thiệu: “Số tiền xây dựng ngôi nhà này mất 15 vạn bạc hoa xòe tương đương với 150 tỷ đồng tiền ngày nay. Đấy là tiền để thuê thợ giỏi, kiến trúc sư còn các nguyên vật liệu thì ở Đồng Văn có hết rồi chỉ mất công khai thác. Ở ngay đây có hai chân cột đá này là biểu tượng cho hai trái của hoa anh túc. Đá này giá trị ở chỗ là được dát bằng bạc, tức là dùng đồng đồng bạc già để đánh bóng vừa là làm bóng đá và lấy được màu của đồng tiền. Mỗi chân cột đá này tương đương với 900 triệu đồng ngày nay.”
Khu nhà chính diện là nơi ở của "vua" họ Vương. Ngoài ra, dinh họ Vương còn được thiết kế thêm nhiều nhà đón khách, nhà sinh hoạt chung thể hiện những nét đặc trưng trong tập quán sinh hoạt của đồng bào Mông trên cao nguyên đá. Trong đó, có phòng sưởi cho mùa đông, bể bơi, bể tắm sữa dê được đục từ đá nguyên khối tạo lên phong cách khá mới mẻ và hiện đại trong kiến trúc thời bấy giờ. Do nhiều điều kiện ảnh hưởng của tự nhiên và xã hội vùng Tây Bắc thời phong kiến có nhiều phức tạp, nên ông chủ họ Vương đã xây dinh thự như một pháo đài. Bên ngoài là những bức tường thành cao vút. Những lô cốt bằng đá được xây dựng phía trên ba căn phòng chính của tòa nhà. Phía sau nhà có một bể chứa nước mưa rất lớn được xây toàn bộ bằng đá. Kiến trúc cũng như những dấu ấn lịch sử của di tích này khiến cho du khách đến ngày một đông. Chị Vương Thị Chờ cho biết: “Khi công viên đá được công nhận thì khách du lịch đến đông hơn, có ngày lễ một ngày đón hơn 1000 khách còn ngày thường thì mỗi tháng đón khoảng 3000 khách. Bắt đầu từ tháng 9 thì khách nước ngoài đến đông hơn.”
Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và những biến thiên của lịch sử, ngày nay, dinh thự nhà họ Vương vẫn giữ nguyên hình dáng, diện mạo thuở ban đầu cùng những hiện vật và giá trị lịch sử của nó. Cùng với phố cổ Đồng Văn, dinh thự họ Vương trở thành một điểm đến không thể thiếu đối với hành trình của du khách khi khám phá mảnh đất và con người Hà Giang, bởi đó chính là bản sắc và nét độc đáo văn hóa của mảnh đất này.
Lan Anh