(VOV5) - Với những cống hiến không mệt mỏi trong suốt cuộc đời mình, ông Vũ Khoan đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, một cán bộ xuất thân từ ngành Ngoại giao, vừa từ trần ngày 21/6, hưởng thọ 86 tuổi. Cuộc đời ông gắn bó với những giai đoạn lịch sử của đất nước, trong đó có thời kỳ mở cửa và hội nhập vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng, với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, ông là người tiên phong trong công cuộc cải cách, đổi mới, mở cửa, hội nhập của Việt Nam ngay từ những năm tháng đầu tiên. Ông minh triết, sắc sảo nhưng cũng rất khiêm tốn và là người nỗ lực học tập suốt đời.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sinh thời, ông Vũ Khoan có kiến thức rất đa dạng, được phân công những công việc khác nhau, nhưng nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Là cán bộ Ngoại giao, rồi lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sau này khi được phân công làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông cũng hoàn thành rất tốt nhiệm vụ.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã cống hiến cả cuộc đời mình cho ngành ngoại giao nói riêng và cho sự phát triển của đất nước nói chung. Ảnh: VGP |
Trong quá trình Việt Nam đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ cũng như đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn kinh tế Á-Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…., nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, không chỉ vì ông có kiến thức sâu rộng mà còn vì ông luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, như ông từng tâm sự: "Làm gì cũng vì lợi ích tốt nhất có thể cho dân tộc. Đó là cái xuyên suốt, thế hệ chúng tôi hay bây giờ cũng vậy. Đàm phán cam go cứng rắn đến mấy cũng vì lợi ích đất nước, cụ thể là lợi ích phát triển."
Với ngành ngoại giao, ông Vũ Khoan là người đi trước, hướng dẫn, dìu dắt nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành. Theo Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, ở ông Vũ Khoan có phẩm chất rất đáng quý của nhà ngoại giao tài ba, đó là rõ ràng, thẳng thắn, bộc trực trong đàm phán, thương lượng. Ông giữ nguyên tắc trong đàm phán nhưng lại linh hoạt trong cách thức thực hiện. Với mỗi đối tác, ông lại có cách ứng xử riêng.
Sau này có điều kiện gặp gỡ những đối tác mà ông Vũ Khoan từng tham gia đàm phán, ông Nguyễn Phú Bình thấy họ đều đánh giá rất cao phẩm chất này của ông Vũ Khoan. Ông Nguyễn Phú Bình cho biết những đối tác đàm phán đều nhận thấy ông Vũ Khoan là một người hiểu biết, bản lĩnh và nguyên tắc. Khi nắm vững nguyên tắc, ông có thể đưa ra được những biện pháp, chiến thuật đàm phán phù hợp và linh hoạt. Ở ông Vũ Khoan hội đủ các tố chất để đàm phán thành công với mọi đối tác khác nhau.
Còn với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ký ức về ông Vũ Khoan với bà là một bậc thầy trong các cuộc đàm phán, ký kết, người biết sử dụng khéo léo ngôn ngữ để hóa giải bầu không khí trở nên thân tình, gần gũi mà lại vô cùng hiệu quả với đối tác.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: VTC |
Bà Phạm Chi Lan nhớ lại: "Một chuyến đi mà tôi được đi cùng không thể nào quên được là chuyến sang Hoa Kỳ cuối năm 2001, khi đoàn Việt Nam sang Mỹ ký kết các văn bản để hoàn tất hiệp định thương mại tự do Việt - Mỹ (BTA). Trong tiệc chiêu đãi ở Washington, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan được mời lên phát biểu. Ông bước lên, cười rất tươi và dí dỏm kể: "Đêm qua tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy các bạn Mỹ ở đây hôm nay sẽ mặc áo sơ mi may tại Việt Nam, ăn món tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang, uống cafe, trà ngon từ Việt Nam". Cả khán phòng ngạc nhiên, thích thú rồi vỗ tay tán thưởng. Những người bạn Mỹ vui vẻ đáp lại rằng "giấc mơ ấy chắc chắn sẽ nhanh chóng thành hiện thực".
Sau khi nghỉ hưu, ông Vũ Khoan vẫn luôn quan tâm tới tình hình đất nước và có nhiều góp ý sâu sắc, trách nhiệm, thẳng thắn với Đảng, Nhà nước. Ông Vũ Khoan dường như đã làm việc tận tụy đến lúc tuổi già. Trước khi mất, ông vẫn còn trăn trở nhiều việc. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm…, cần ông góp mặt để chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý cho ngành ngoại giao, cho công tác hội nhập và cho sự phát triển của đất nước. Những phát biểu của ông dễ hiểu, rõ ràng, giúp người nghe rất dễ nắm bắt: "Có những thành quả hội nhập có thể cân đong đo đếm được nhưng cũng có những thành quả vô hình nhưng vô cùng quan trọng. Vậy đó là cái gì? Tôi cho là cái đầu tiên là vấn đề đồng thuận của xã hội về hội nhập. Thứ hai là hiểu biết thế giới. Ngày xưa số người hiểu biết thế giới nhất là thế giới tư bản ít lắm, ngay chúng tôi làm ngoại giao cũng biết rất ít, do điều kiện khách quan. Còn nay thì cả nước trở thành công dân toàn cầu rồi, tất nhiên ở những mức độ khác nhau nhưng không còn quá bỡ ngỡ nữa. Cái đó cũng quan trọng chứ, đi ra chợ mà không hiểu biết về cách buôn bán ở chợ thì làm sao mua bán được hàng. Hiểu biết thế giới, đó là sức mạnh mềm thứ 2. Cái kết quả thứ 3 mà không cân đong đo đếm được đó là vị thế Việt Nam. Ngày xưa người ta chỉ biết đến một nước Việt Nam chiến đấu thôi, còn bây giờ nhiều nước đã coi Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh".
Ông Vũ Khoan là người lãnh đạo mẫu mực và suốt đời cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, ông Vũ Khoan đóng góp không chỉ trong việc xây dựng những chính sách lớn mà còn trong rất nhiều việc cụ thể. Nhờ sự tiên phong trong suy nghĩ và hoạt động đối ngoại của ông, các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) xuất hiện và hoạt động tại Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Với những cống hiến không mệt mỏi trong suốt cuộc đời mình, ông Vũ Khoan đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Hàm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ông cũng được Chính phủ các nước trao tặng: Huân chương Hữu nghị các dân tộc (Liên Xô cũ), Huân chương Tự do hạng Nhất (Lào), Huân chương Mặt trời mọc (Nhật Bản).
Quá trình công tác của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:
- Năm 1956: Bắt đầu công tác tại Bộ Ngoại giao.
- Năm 1990: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Năm 2000: Bộ trưởng Bộ Thương mại; Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế.
- Năm 2002: Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm nhiệm Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về nhân quyền, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và các hải đảo, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch.
- Năm 2006: Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề đối ngoại.