(VOV5) - Là Chánh văn phòng Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng nên anh Hoài hiểu và đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Đây cũng là động lực để anh làm tốt công việc của mình trong Hội nạn nhân da cam/dioxin của tỉnh Sóc Trăng.
“ Biết rằng dù mình có buồn hay vui đi chăng nữa nữa thì đây cũng là sự thật. Bản thân mình, là nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Vì sự tàn tật trên cơ thể theo mình suốt cả đời cho nên phải luôn đối mặt để vượt qua, sống một cách có ý nghĩa nhất”. Đó là tâm sự của anh Nguyễn Thanh Hoài, thế hệ nạn nhân chất độc da cam/dioxin thứ ba, sống tại tỉnh Sóc Trăng.
|
Anh Nguyễn Thanh Hoài - Người cán bộ tận tâm với công tác Hội Da cam. Ảnh: soctrangtv.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Gặp anh Nguyễn Thanh Hoài tại Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” toàn quốc lần thứ III vừa diễn ra tại Hà Nội và được trò chuyện cùng anh mới thấy cảm phục, trân trọng con người sống đầy nghị lực và lạc quan. Một người đàn ông bị tật cả hai chân, mỗi bước đi là một sự cố gắng, nhưng khuôn mặt anh lúc nào cũng rạng ngời và nụ cười luôn thường trực trên môi. Bản thân bị tật nguyền nhưng chưa bao giờ anh oán trách số phận, oán trách cuộc đời, kể cả lúc bị từ chối khi xin việc làm: “Mình không buông xuôi, số phận đã định rồi mình phải vượt qua nó. Bởi vì mình biết rằng mình có buồn hay có vui nữa thì đây cũng là sự thật, phải đối diện với nó mới vượt qua nó. Khoảng sau ba bốn tháng là mình tìm được việc. Khi tìm được việc rồi là mình tìm được rất nhiều việc. Mình học về công nghệ thông tin, có kĩ năng về hoạt động hội hè”.
Đi làm, anh Hoài mới quen người vợ anh bây giờ. Qua nói chuyện, trao đổi công việc, cả hai đều tìm thấy ở nhau sự đồng cảm. Anh Hoài kể: “Vợ tôi cũng là nạn nhan chất độc da cam/dioxin luôn. Vợ tôi lúc đó cũng sinh hoạt trên Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Sau đó vợ tôi qua Mỹ học. Rồi để làm đề tài nghiên cứu, cô ấy lên mạng nói chuyện với tôi xin tài liệu. Lúc đó tôi làm quản trị web. Chúng tôi trao đổi qua lại, nói chuyện mình thấy hợp”.
Hai người ở hai đầu trái đất, trao đổi về công việc, về cuộc sống và cùng rèn kỹ năng nói tiếng Anh cho nhau. Quan trọng hơn, có cơ hội họ lại động viên nhau vượt qua khó khăn: “Sau khi nói chuyện thấy hợp, chúng tôi tìm hiểu trong 4 năm. Năm 2010, vợ tôi về nước, năm 2012 thì chúng tôi cưới. Chúng tôi cư xử rất tế nhị với nhau, đơn giản là mình hiểu nhau vì hai người đều là khuyết tật. Bạn ấy đi học nước ngoài còn mình cũng có chuyên môn công tác xã hội nên nói câu gì cũng rất tâm đầu hợp ý”.
Là Chánh văn phòng Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng nên anh Hoài hiểu và đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Anh biết rằng còn rất nhiều trường hợp đau khổ hơn mình cả về thể xác, tinh thần và kinh tế, đó cũng chính là động lực để anh làm tốt công việc của mình trong Hội nạn nhân da cam/dioxin của tỉnh Sóc Trăng: “Mình cố gắng bằng mọi cách giúp đỡ kêu gọi nhiều nguồn từ thiện, nói thật những người như vậy họ cũng hết cách rồi. Mình cũng là người khuyết tật thì mình nghĩ mình phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với họ,
Ai đó nói rằng: “Ông trời không lấy hết của ai những cái gì cả, nếu đã lấy cái này thì ông trời lại bù lại cái kia”. Và sự bù lại ấy, như suy nghĩ của Nguyễn Thanh Hoài: “Nếu bạn có đôi lúc buồn, thì bạn cứ buồn nhưng tin rằng ngày mai mình sẽ nhận được nhiều hơn những gì bạn đã mất hôm nay”.