VOV5 - Những hồi ức của nhà Việt Nam học Evgheni Glazunov về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Nga Việt Evgheni Glazunov, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, một trong những nhà Việt Nam học ưu tú nhất, vừa qua đời. Ông có rất nhiều kỷ niệm đối với nhiều người Việt Nam từ những cán bộ cao cấp của nhà nước đến những sinh viên, lưu học sinh Việt Nam cả trong nước và ở Liên bang Nga. VOV5 giới thiệu phần trích hồi ức để lại của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trích trong quyển "Những người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh."
Nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Nga Việt Evgheni Glazunov trong một lần trả lời phỏng vấn phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại LB Nga |
LẦN GẶP ĐẦU TIÊN
Đã nhiều năm chúng tôi cùng các đồng nghiệp từ Hội hữu nghị Nga-Việt và các đồng chí Việt Nam - đại diện của Đại sứ quán đang công tác tại Liên bang Nga cùng các đại diện các tổ chức xã hội và giới doanh nghiệp, tới tượng Hồ Chí Minh vào ngày sinh của, đặt vòng hoa,tưởng nhớ đến cuộc đời và sự nghiệp của Người. Và cứ mỗi lần, chiêm ngưỡng tượng Bác, tôi lại quay về với những năm 1960 xa xưa, hồi tưởng lại chuyện Hồ Chí Minh đón các đoàn đại biểu Xô Viết, Đại sứ Liên xô X.A.Tovmaxian; khi thì tại Đại sứ quán, chuyện trò cùng các cháu Việt Nam, Liên Xô ra sao.
Tôi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu là vào tháng tám năm 1962, ngay trong năm đầu tiên tôi tới Việt Nam trong buổi gặp gỡ giao lưu quốc tế với các chuyên gia nước ngoài, đang làm việc tại Nước Việt Nam Dân chủ Dộng hoà trong thời gian đó. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Câu lạc bộ Quốc tế ( thời đó Câu lạc bộ này đã có, nằm không xa quảng trường Ba Đình dành cho các chuyên gia nước ngoài làm việc ở Việt Nam gặp gỡ). Buổi gặp này nhân dịp kỷ niệm 17 năm Cách mạng tháng Tám thành công và khai sinh nước Việt Nam độc lập. Đã thành lệ, những cuộc gặp như vậy là một truyền thống tốt đẹp được diễn ra hàng năm, và thường có mặt đông đủ các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Đại diện của cơ quan Ngoại giao lúc đó hãy còn chưa đông lắm.
…Hồ Chí Minh ngồi ở hàng ghế Đoàn Chủ tịch với các bạn chiến đấu của mình. Sau báo cáo của lãnh đạo Cục đối ngoại phụ trách công việc với chuyên gia nước ngoài thuộc chính phủ Việt Nam là các lời chúc mừng của đại diện các nhóm chuyên gia. Họ trình bày về công việc, về đời sống của các tập thể, nơi họ lao động bên cạnh các đồng nghiệp Việt Nam, lời chúc mừng các nhà lãnh đạo nhà nước và nhân dân Việt Nam nhân dịp ngày lễ. Nhiều người phát biểu bằng tiếng nước mình thông qua phiên dịch, nói thêm dăm ba từ tiếng Việt, được đón chào bằng những tràng vỗ tay và tiếng tán thưởng trong phòng.
Và một trong những cử tọa, một chuyên gia Xô Viết quyết định trình làng bằng khả năng ngôn ngữ của mình, nói lời chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng sai ngữ điệu (mà đó là điều rất quan trọng trong tiếng Việt). Những người nước ngoài thì không biết tiếng nhưng đoán được ý người phát biểu muốn nói, vỗ tay hoan hô, nhưng phần đông những người Việt có mặt tại đó bật cười . Hồ Chí Minh đứng dậy khỏi ghế và bước tới cử tọa đang đứng ở bục phát biểu, vui vẻ nói bằng tiếng Nga “Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa muốn ngủ”. Nhiều người nước ngoài ngồi trong phòng biết tiếng Nga cười vui vẻ, và vỗ tay nồng nhiệt.
Nhân đây cũng phải trình bày thêm để bạn đọc hiểu được những gì đã diễn ra. Chuyện ở chỗ, là trong tiếng Việt nhiều âm điệu, và khi phát âm không chuẩn về âm ngữ đưa đến hiểu sai ý của từ hoặc câu nói . Ở đây vận vào trường hợp đó. Khi nói từ “muôn năm” phát âm không chuẩn, lệch sang từ “muốn nằm”, mà Hồ Chí Minh đã pha chút tiếu lâm dí dỏm bình luận.
Như vậy, tôi lần đầu tiên được mục kích điều mà trước đây tôi đã đọc hoặc nghe các đồng chí Việt Nam nói - Hồ Chí Minh thực sự là một con người lôi cuốn hấp dẫn, thích những chuyện đùa vui, giản dị trong giao tiếp với mọi người và đồng thời luôn tôn trọng người đối thoại. Về điều này tôi được chứng kiến không chỉ một lần trong những buổi gặp gỡ trực tiếp cùng Hồ Chủ tịch.
.............................
TRẢ THI TRƯỚC CHỦ TỊCH
Trong những năm tháng xa xôi đó, trong phòng khách của Sứ quán Liên Xô có điện thoại nối trực tiếp với phòng khách Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (toà Sứ quán toạ lạc trên đường Trần Phú, cách không xa quảng trường Ba Đình). Không ít khi tiếng chuông điện thoại reo từ dinh chủ tịch, điều đó đối với chúng tôi có nghĩa là, Hồ Chí Minh đề nghị mời ngài Đại sứ Liên Xô tới gặp. Tiếng chuông reo có thể ban ngày có thể buổi chiều. Khi có điện thoại (thường là trợ lý của Chủ tịch Vũ Kỳ gọi), tôi ngay lập tức báo với Đại sứ, và ông dừng ngay các công việc khác, đến Phủ chủ tịch đúng giờ. Các buổi nói chuyện với Hồ Chí Minh thường bắt đầu hay kết thúc bẳng việc xem bộ phim thời sự ngắn, hoặc đi cùng với các trẻ em Việt Nam. Cũng thường có buổi uống trà tâm sự. Trong trường hợp thứ nhất chúng tôi thường xem phim thời sự quốc tế hoặc những thước phim về đời sống Việt Nam với trẻ em bao quanh chúng tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu trẻ em. Trẻ em thường là khách thường xuyên của Chủ tịch, một thành phần xã hội không thể thiếu trong đời sống chính trị kinh tế của đất nước. Trong trường hợp thứ hai, chúng tôi uống chè trà cũng với những cộng sự hoặc trợ lý của Hồ Chí Minh. Thường thì đó là Phạm Văn Đồng, thứ trưởng bộ ngoại giao Việt Nam, phụ trách mảng quan hệ với Liên Xô, nếu tôi nhớ không lầm tên ông ấy là Hoàng Lượng và trợ lý của Bác, người bạn vong niên của tôi, Vũ Kỳ.
Về một buổi thưởng trà như vậy tôi muốn kể ở đây. Lần này thì bữa mời trà không phải tại Phủ Chủ tịch, nơi thường tiến hành các cuộc chiêu đãi chính thức các quan chức cao cấp ngoại giao, mà tại ngôi nhà nhỏ trong công viên, trước đây là nhà của một thợ làm vườn, còn bây giờ thì Hồ Chí Minh sống tại đó. Nghe chừng những câu chuyện chính đã xong, sau bữa trưa những câu chuyện tâm tình của mọi người. Họ bàn luận về tình hình ở Việt Nam dân chủ cộng hoà, ở Miền Nam, nơi xảy ra vụ scandan chính trị, dẫn đến sự lật đổ Ngô Đình Diệm, và lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc, sự tham chiến của Mỹ vào Miền Nam. Người ta nói nhiều, dĩ nhiên là quan hệ Xô- Việt. Người phiên dịch lúc đó gọi là quay như chong chóng, chuyển tải câu hỏi và câu trả lời từ người này đến người khác đối thoại.
Thỉnh thoảng, dừng câu chuyện, những thực khách chú ý vào đĩa thức ăn của mình. Hồ Chí Minh quay sang tôi và hỏi bằng tiếng Việt rằng, tôi học tiếng Việt ở đâu. Tôi theo thói quen dịch câu hỏi cho Đại sứ. Nhưng Chủ tịch ngưng tôi lại và bảo câu hỏi này dành cho tôi và sau ông sẽ trực tiếp dịch cho Đại sứ. Tôi trả lời ông, là tôi học tiếng việt tại MGIMO (Trường Quan hệ Quốc tế Matxcova) thuộc Bộ ngoại giao. Chủ tịch ra câu hỏi thứ hai. Tôi trả lời, nhưng cũng lo lắng khi thấy ngài Đại sứ, không hiểu gì, nên lúc thì nhìn tôi, lúc nhìn Chủ tịch; còn các đồng chí Việt Nam khác thì nghe câu chuyện và vui cười.Hồ Chí Minh còn hỏi tôi vài câu nữa, tôi trả lời, nhưng thầm nghĩ rằng, hôm nay Đại sứ sẽ cạo tôi vì câu chuyện giữa tôi với Chủ tịch một quốc gia. Chủ tịch đùa hỏi tôi thêm câu gì nữa, sau đó quay sang Đại sứ và nói bằng tiếng Nga :
-Đừng giận, đồng chí Đại sứ ạ, đơn giản tôi ra bài thi nho nhỏ cho phiên dịch của anh thôi.
- À ra thế - với sự thoải mái, Đại sứ trả lời - Kết quả thế nào? Theo ông trình độ tiếng Việt của anh ấy ra sao?
- Không tồi, không tồi! Nhưng điểm năm thì chắc tôi không cho. Đọc sách tiếng Việt chưa nhiều, và đúng thế, cách phát âm tiếng Việt chúng tôi đóng vai trò rất quan trọng, người châu Âu rất khó nắm bắt. Nhưng người phiên dịch cần hoàn thiện khả năng của mình - quay sang tôi, Hồ Chí Minh kết luận.
Tôi cảm thấy không thoải mái lắm, nhưng đón nhận nhận xét của Hồ Chí Minh như là nhận điểm cao của kỳ thi.
Trên đường về nhà, Đại sứ nói với tôi trong xe, như người ta nói, để phòng trừ ý kiến nhận xét của mình, nhưng cũng hơi lạ, rằng Hồ Chí Minh chưa kiểm tra trình độ tiếng Việt của một ai trong số phiên dịch Liên Xô. Chắc là hôm nay ông ấy tinh thần phấn chấn, có nghĩa là ,buổi gặp gỡ chuyện trò hôm nay kết quả tốt. Ta sẽ viết như vậy gửi về Matxcova.
Đại sứ viết gì thì tôi không được biết, nhưng lần kiểm tra của Hồ Chí Minh về kiến thức tiếng Việt của tôi thì tôi suốt đời không quên.